Người cao tuổi góp phần gìn giữ văn hóa truyền thống
Nhiều năm qua, phong trào văn hóa văn nghệ trong người cao tuổi ở các địa phương diễn ra khá sôi nổi. Đây được coi là sân chơi tinh thần lành mạnh, giúp người già sống vui, sống khỏe.
Với hình thức sinh hoạt là câu lạc bộ (CLB) văn nghệ, những người cao tuổi không chỉ góp phần gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, mà còn góp phần xây dựng đời sống văn hóa địa phương thêm phong phú, đa dạng.
Là nơi người Mường tập trung sinh sống khá đông, thôn Giang Thành, xã Ea Đăh (huyện Krông Năng) đã thành lập CLB văn nghệ người cao tuổi nhằm mang những tiếng khèn, điệu múa quê hương hòa nhập vào đời sống mới nơi đây. CLB hoạt động từ năm 2013 với 24 thành viên có độ tuổi từ 55 đến 66 tuổi.
Ông Vi Xuân Ngoãn, Chủ nhiệm CLB cho biết, đội văn nghệ ra đời trên tinh thần tự nguyện, kinh phí tự đóng góp để phục vụ luyện tập như: quạt, áo quần, băng cát sét, loa… Những tiết mục văn nghệ của CLB là sự sáng tạo có đầu tư, kết hợp giữa bản sắc văn hóa dân tộc Mường và Thái, trên nền nhạc hiện đại, cách mạng. Ví dụ tiết mục múa “Chiếc khăn Piêu”, múa quạt “Cánh bướm mùa xuân” hay nhạc phẩm “Cầu mùa” với tiếng sáo đệm…
Một buổi tập luyện văn nghệ của Chi hội người cao tuổi thôn Giang Thành, xã Ea Đăh, huyện Krông Năng. |
Từ mô hình CLB văn nghệ thôn Giang Thành, xã Ea Đăh đang nhân rộng thêm 1 CLB văn nghệ ở thôn Xuân Hà 3. Ông Hà Quang Thanh, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã chia sẻ: Chi hội Xuân Hà 3 chủ yếu quê ở Quảng Bình, có truyền thống cách mạng. Vì vậy, hướng hoạt động của CLB là tập trung phát triển những bài hát cách mạng hào hùng, hun đúc thêm tinh thần tự hào dân tộc. Tham gia CLB văn nghệ là hình thức sinh hoạt lành mạnh, văn minh, giúp những người già sống yêu đời, lạc quan, phát huy vai trò của bản thân với gia đình và xã hội.
Xã Ea Na (huyện Krông Ana) cũng là địa phương có phong trào văn nghệ người cao tuổi phát triển mạnh với 3 CLB tại 3 thôn: Quỳnh Ngọc, Quỳnh Ngọc 1 và Quỳnh Ngọc 2. Trong đó, CLB văn nghệ thôn Quỳnh Ngọc 2 ra đời sớm nhất với những điệu chèo truyền thống để lại nhiều dấu ấn.
Là người gốc Thái Bình, luôn mang nặng tâm tư muốn gìn giữ, phát triển điệu chèo quê hương, ông Đỗ Quý Thao (58 tuổi) đã vận động người dân trong thôn thành lập nên CLB chèo người cao tuổi thôn Quỳnh Ngọc 2. CLB thành lập năm 2005, lúc đầu chỉ có 10 thành viên, sau này phát triển thêm 17 người. Dẫu hoàn cảnh gia đình mỗi người khác nhau, có những khó khăn riêng, nhưng tất cả các thành viên CLB đều nỗ lực duy trì và phát triển đội văn nghệ. Mỗi tháng 2 lần, các cụ ông, cụ bà lại tụ họp ở hội trường thôn để sinh hoạt văn nghệ. “Tuổi thơ của tôi được nuôi dưỡng bằng những làn điệu chèo nên tôi muốn bản sắc văn hóa Thái Bình sẽ luôn sống mãi. Giờ đã lên chức ông, tôi vẫn hay hát cho con cháu trong nhà nghe. Việc biểu diễn các tiết mục ở địa phương và giao lưu ở xã khác không chỉ giúp chúng tôi sống với niềm đam mê mà còn là một cách truyền sự hứng thú về các điệu chèo đến thế hệ trẻ” - ông Thao tâm sự.
Việc ra đời nhiều CLB văn nghệ người cao tuổi ở các địa phương góp phần làm phong phú đời sống tinh thần cho các cụ ông, cụ bà. Dù họ không phải là những nghệ sĩ chuyên nghiệp, nhưng bằng niềm đam mê và lòng tự hào bản sắc văn hóa quê hương, họ được ví như những người “truyền lửa”, chung tay cùng cộng đồng gìn giữ văn hóa truyền thống dân tộc.
Thùy Duyên
Ý kiến bạn đọc