Multimedia Đọc Báo in

Phát huy vai trò của Hội Phụ nữ trong giám sát và phản biện xã hội

08:40, 25/10/2017

Tham gia xây dựng, phản biện và giám sát việc thực hiện các chính sách, pháp luật là một trong những nhiệm vụ trọng tâm ngày càng được Hội Phụ nữ các cấp trong tỉnh chú trọng triển khai thực hiện và đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Giám sát có chiều sâu, theo chuyên đề

Đầu năm 2017, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh quyết định chọn giám sát chuyên đề về việc thực hiện Nghị định số 39/2015/NĐ-CP ngày 27-4-2015 của Chính phủ “Quy định chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số ”. Để công tác giám sát đạt hiệu quả, Tỉnh hội đã xây dựng kế hoạch cụ thể, thành lập Đoàn giám sát, mời các đơn vị liên quan tham gia. Đoàn giám sát đã làm việc trực tiếp với UBND một số xã của 3 huyện Krông Bông, Ea H’leo, Buôn Đôn; gặp gỡ, nghe ý kiến phản ảnh của người dân thuộc diện hưởng chính sách hỗ trợ; đồng thời, giám sát gián tiếp thông qua tài liệu, báo cáo của các sở, ngành và 11 huyện, thị xã có đối tượng được hưởng lợi theo Nghị định 39.

Đoàn giám sát của Hội LHPN tỉnh tìm hiểu việc thực hiện Nghị định 39/2015/NĐ-CP tại xã Yang Réh (huyện Krông Bông).
Đoàn giám sát của Hội LHPN tỉnh tìm hiểu việc thực hiện Nghị định 39/2015/NĐ-CP tại xã Yang Réh (huyện Krông Bông).

Qua giám sát cho thấy, tiến độ triển khai thực hiện Nghị định số 39 trên địa bàn tỉnh còn chậm; một số địa phương chưa có văn bản chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị; chưa kịp thời chuyển kinh phí về cho cấp xã tổ chức thực hiện; chưa hướng dẫn cho các đối tượng lập hồ sơ, xác minh để cấp kinh phí theo quy định. Hơn nữa, công tác tuyên truyền chính sách chưa sâu rộng nên một số trường hợp còn hiểu nhầm được hỗ trợ để sinh con hoặc không biết hỗ trợ để làm gì; công tác rà soát, thống kê đối tượng được hưởng chính sách ở một số huyện chưa chặt chẽ; kinh phí Trung ương chuyển về chậm và mới chỉ được 70% nhu cầu theo dự kiến nên đa số các huyện, thị xã lúng túng trong việc cấp phát.

Bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, Trưởng đoàn giám sát cho biết: sau khi giám sát, Hội LHPN tỉnh nhận thấy nhiều tồn tại, hạn chế trong triển khai thực hiện Nghị định 39 nên đã có kiến nghị cụ thể với UBND tỉnh và các bộ, ngành Trung ương. Qua đó, UBND tỉnh đã có công văn yêu cầu UBND các huyện, thị xã chỉ đạo cơ quan chuyên môn đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ cho các đối tượng theo quy định.

Bảo vệ quyền lợi của hội viên, phụ nữ

Thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị về việc ban hành Quy chế giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, thời gian qua, cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt nội dung quy chế, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, biên soạn các loại biểu mẫu hỗ trợ các cấp hội thực hiện giám sát theo đúng quy trình; tổ chức các cuộc hội thảo, tập huấn chuyên đề về kỹ năng giám sát; định hướng, gợi ý nội dung; đưa việc thực hiện công tác giám sát vào chỉ tiêu thi đua…

Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Thanh Hường (bìa trái) tìm hiểu đời sống hội viên phụ nữ tại buôn Yang Réh 2 (xã Yang Réh,  huyện Krông Bông).
Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Thanh Hường (bìa trái) tìm hiểu đời sống hội viên phụ nữ tại buôn Yang Réh 2 (xã Yang Réh, huyện Krông Bông).

Để thực hiện hiệu quả công tác giám sát, hằng năm, Hội LHPN tỉnh đều đăng ký nội dung giám sát chuyên đề và xin ý kiến của Thường trực Tỉnh ủy, sau đó xây dựng kế hoạch cụ thể, chọn địa điểm, tổ chức giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách liên quan đến tổ chức hội, hội viên phụ nữ. Hội Phụ nữ cấp huyện và cơ sở đã chủ trì giám sát các vấn đề như: các nghị quyết, nghị định liên quan đến quyền lợi của phụ nữ, chính sách đào tạo nghề cho lao động nữ nông thôn, vệ sinh an toàn thực phẩm, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, cận nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, cấp gạo cứu đói, quy trình bình xét hộ nghèo… Ngoài ra, hội phụ nữ các cấp còn tích cực tham gia các đoàn giám sát của Mặt trận Tổ quốc, chính quyền, đoàn thể cùng cấp.

Theo đánh giá của Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Thanh Hường, công tác giám sát của các cấp hội phụ nữ đã ngày càng đi vào chiều sâu và có hiệu quả. Qua giám sát, các cấp hội đã phát hiện những bất cập, thiếu sót trong triển khai thực hiện chính sách; kiến nghị với các cấp, ngành chức năng có hướng chỉ đạo, thực hiện hiệu quả hơn. Đồng thời, các cấp hội đã đề xuất với cấp ủy, chính quyền một số vấn đề liên quan đến việc quy hoạch, đào tạo, bố trí, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ nữ; hỗ trợ cơ sở vật chất, phương tiện làm việc và tạo điều kiện cho các cấp hội hoạt động; cấp kinh phí thực hiện đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp… 

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.