Multimedia Đọc Báo in

Xã biên giới Krông Na tích cực phòng chống sốt rét

16:02, 29/10/2017

Là một trong những địa bàn trọng điểm về sốt rét, thời gian qua, xã biên giới Krông Na (huyện Buôn Đôn) đã tích cực triển khai các hoạt động phòng chống sốt rét, nâng cao ý thức của người dân để chủ động phòng chống dịch bệnh.

Xã biên giới Krông Na nằm trong Vườn Quốc gia Yok Đôn, tiếp giáp với Campuchia, có 9 thôn, buôn, trong đó phần lớn người dân sinh sống bằng nghề đi rừng, ngủ rẫy, hay qua lại khu vực biên giới nên nguy cơ mắc sốt rét luôn ở mức cao. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, xã Krông Na có 14 trường hợp mắc sốt rét, trong đó 1 trường hợp tử vong. So với những năm trước đó, số ca mắc sốt rét trên địa bàn xã đã giảm đáng kể, một phần là do người dân đã ý thức hơn trong việc phòng chống chống sốt rét, mặt khác phải kể đến sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ chuyên trách phòng chống sốt rét từ huyện đến cơ sở.

Cán bộ y tế tẩm màn bằng hóa chất phòng chống bệnh sốt rét cho người dân buôn Jang Lành, xã Krông Na.
Cán bộ y tế tẩm màn bằng hóa chất phòng chống bệnh sốt rét cho người dân buôn Jang Lành, xã Krông Na.

Để giúp dân phòng chống sốt rét, cán bộ y tế huyện Buôn Đôn đã triển khai tẩm màn, phun hóa chất tồn lưu cho 100% số hộ dân tại xã Krông Na, trong đó tập trung vào 3 thôn, buôn thường xuyên có người mắc sốt rét là buôn Drăng Phốk, Jang Lành và thôn Buôn Đôn; cán bộ trạm y tế xã còn phát tờ rơi, tuyên truyền cho người dân các biện pháp phòng chống sốt rét.

Anh Y Sới Hwinh, Trạm Y tế xã Krông Na cho biết: Đối với người dân đi rừng, ngủ rẫy, chúng tôi vận động họ mang theo màn được tẩm hóa chất để ngủ, phòng muỗi đốt gây bệnh sốt rét. Còn với người dân tại các thôn, buôn trong xã, chúng tôi kêu gọi bà con dọn dẹp vệ sinh môi trường, nhà ở, diệt muỗi, lăng quăng bọ gậy, không chỉ phòng bệnh sốt rét mà còn phòng ngừa cả bệnh sốt xuất huyết.

Còn theo ông Võ Minh Hùng, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Buôn Đôn thì trong số 14 trường hợp mắc sốt rét tại địa phương, hầu hết đều rơi vào các hộ dân đi rừng, ngủ rẫy không mang theo màn. Trước tình hình đó Trung tâm đã triển khai tẩm màn tại 3 xã Ea Huar, Krông Na và Ea Wer với tổng số dân được bảo vệ là 10.000 người;  phun bổ sung hóa chất tồn lưu cho 3 thôn của xã Krông Na và hướng dẫn người dân các biện pháp phòng chống sốt rét.

Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Buôn Đôn phun hóa chất tồn lưu tại các hộ dân trên địa bàn xã Krông Na.
Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Buôn Đôn phun hóa chất tồn lưu tại các hộ dân trên địa bàn xã Krông Na.

 

 
“Ngoài sự hỗ trợ của ngành y tế, mỗi người dân cần có ý thức bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình trước dịch bệnh sốt rét. Việc nâng cao ý thức của người dân không chỉ làm giảm số ca bệnh mà còn giúp ngành y tế địa phương giám sát, kịp thời phòng chống bệnh lây lan thành dịch, ngăn ngừa và tiến tới loại trừ sốt rét” 
Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Buôn Đôn Võ Minh Hùng

Nhờ cán bộ y tế xã, huyện tăng cường truyền thông, vận động ý thức phòng chống dịch bệnh của người dân trên địa bàn xã Krông Na đã nâng lên rõ rệt. Mỗi lần Trung tâm Y tế huyện phối hợp với Trạm Y tế xã tổ chức tuyên truyền và tẩm màn tại địa phương, bà con đều gác lại việc nương rẫy đến điểm tẩm màn để được các y, bác sĩ tư vấn, lấy lam máu xét nghiệm, hướng dẫn cách nhúng tẩm màn bằng hóa chất để phòng chống bệnh sốt rét.

Chị H’Lái Byă, buôn Jang Lành, xã Krông Na chia sẻ: Người dân chúng tôi thường xuyên được cán bộ y tế đến tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng chống sốt rét, nhắc nhở người đi rừng ngủ rẫy phải ngủ màn để phòng bệnh. Không những vậy, từ đầu năm đến nay đã có 2-3 đợt, họ xuống tận địa bàn cấp màn, tẩm màn bằng hóa chất giúp dân phòng bệnh.

Có thể thấy, với việc triển khai các biện pháp phòng, chống hiệu quả nên tình hình sốt rét trên địa bàn xã Krông Na đã giảm xuống mức thấp. Song, với diễn biến thời tiết bất thường, sốt rét vẫn có nguy cơ trở lại và bùng phát thành dịch nếu các biện pháp phòng, chống không được thực hiện đồng bộ, thường xuyên.

Kim Oanh

 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.