Multimedia Đọc Báo in

Để phát huy hiệu quả các công trình cấp nước: Cần thay đổi mô hình quản lý

09:53, 27/11/2017

Bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã xây dựng được 152 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, việc phát huy hiệu quả các công trình vẫn còn nhiều vấn đề cần bàn.

Nhiều công trình không hiệu quả

Công trình cấp nước sinh hoạt tập trung xã Cư Bông (huyện Ea Kar) được đầu tư xây dựng từ tháng 8-2013, hoàn thành vào tháng 12-2014 với tổng kinh phí trên 8,6 tỷ đồng, mục tiêu cấp nước sinh hoạt cho các hộ dân ở 3 thôn, buôn trên địa bàn xã. Sau khi xây dựng xong, huyện Ea Kar đã giao cho Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Toàn Thắng quản lý. Tuy nhiên, khi bắt đầu đi vào vận hành thì công trình gặp vấn đề về kỹ thuật; thiếu nguồn nước cấp cho trạm để xử lý; nguồn điện quá yếu, không đủ công suất để đẩy nước lên bể chứa. Vì vậy, chỉ sau 1 tháng vận hành thử nghiệm, công trình đã ngừng hoạt động từ đó đến nay.

Công trình cấp nước sinh hoạt tập trung xã Ea Toh (huyện Krông Năng)  chưa phát huy hết hiệu quả.
Công trình cấp nước sinh hoạt tập trung xã Ea Toh (huyện Krông Năng) chưa phát huy hết hiệu quả.

Trạm nước sinh hoạt tập trung xã Ea Hồ do Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Krông Năng làm chủ đầu tư, được khởi công xây dựng từ năm 2006 với tổng nguồn vốn 1,9 tỷ đồng, cấp nước cho 161 hộ của 6 thôn, buôn trên địa bàn xã. Sau khi công trình hoàn thành được bàn giao cho UBND xã Ea Hồ quản lý sử dụng từ tháng 3-2007, cuối năm 2008 đã tạm ngừng hoạt động. Tháng 8-2010, UBND xã Ea Hồ bàn giao công trình này cho Hợp tác xã Nông - Công nghiệp - Kinh doanh tổng hợp Ea Hồ quản lý, vận hành. Tuy nhiên đến nay, công trình chỉ hoạt động cầm chừng.

Không chỉ ở các huyện, ngay trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, các công trình cấp nước sinh hoạt cũng không phát huy hiệu quả. Theo số liệu của Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn (NS&VSMTNT) tỉnh, từ năm 2002 đến năm 2006, TP. Buôn Ma Thuột được đầu tư xây dựng 13 công trình cấp nước tại các xã: Hòa Phú, Hòa Xuân và Hòa Khánh. Các công trình này đều do cộng đồng quản lý. Hiện nay chỉ có 3 công trình cấp nước gồm thôn 7 (xã Hòa Phú), buôn Cư Đluê và thôn 3 (Hòa Xuân) hoạt động trung bình, 4 công trình kém hiệu quả và 6 công trình đã ngừng hoạt động.

Cần thay đổi cách thức quản lý

Thực tế cho thấy, các công trình do Trung tâm NS&VSMTNT tỉnh quản lý hoạt động tốt, số còn lại sau khi hoàn thành, giao cho địa phương, hợp tác xã, doanh nghiệp, cộng đồng quản lý thì khai thác rất hạn chế, thậm chí ngừng hoạt động. Nguyên dân chính dẫn đến tình trạng trên là do đầu tư tràn lan, thiếu đồng bộ, yếu từ khâu khảo sát, thiết kế, thi công đến việc thiếu đội ngũ cán bộ quản lý và vận hành.

Ông Phạm Ngọc Bình, Phó Giám đốc Trung tâm NS&VSMTNT tỉnh cho biết, để nâng cao hiệu quả quản lý công trình cấp nước sau đầu tư, UBND tỉnh đã phê duyệt chuyển đổi mô hình quản lý của một số công trình từ địa phương sang trung tâm hoặc doanh nghiệp quản lý, vận hành; thực hiện đầu tư nâng cấp sửa chữa và chuyển đổi mô hình quản lý 17 công trình theo kế hoạch thực hiện Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” vốn vay Ngân hàng Thế giới (Chương trình WB) trong giai đoạn 2017-2020; thành lập tổ quản lý khai thác đối với 78 công trình đã được đầu tư; bố trí vốn cải tạo, sửa chữa và bàn giao 41 công trình trong giai đoạn 2017-2020...

Người dân xã Cư Bông (huyện Ea Kar) mỏi mòn chờ đợi nguồn nước từ Công trình cấp nước sinh hoạt tập trung trên địa bàn xã.
Người dân xã Cư Bông (huyện Ea Kar) mỏi mòn chờ đợi nguồn nước từ Công trình cấp nước sinh hoạt tập trung trên địa bàn xã.

Cũng theo ông Bình, hiện Đắk Lắk đang triển khai Chương trình WB trong giai đoạn 2016-2020 với tổng nguồn vốn 249,37 tỷ đồng. Nguồn vốn này được giải ngân theo kết quả đầu ra phù hợp với các tiêu chí đã được thống nhất ban đầu, tức là mục tiêu quan trọng nhất là đầu tư xây dựng công trình và phát huy hiệu quả thực tế. Khi nhà tài trợ thấy rõ kết quả mới giải ngân vốn vay như đã cam kết. Hy vọng, với việc triển khai Chương trình WB và chuyển đổi mô hình quản lý sẽ góp phần phát huy hiệu quả các công trình cấp nước, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân và hoàn thành tiêu chí nông thôn mới.

Theo khảo sát của Trung tâm NS&VSMTNT tỉnh, trong số 152 công trình cấp nước tập trung hiện nay, chỉ có 27 công trình hoạt động bền vững (chiếm 17,76%); 58 công trình hoạt động trung bình (chiếm 38,15%);  22 công trình hoạt động kém hiệu quả (chiếm 14,47%); 45 công trình ngừng hoạt động (chiếm 29,6%), trong đó có 20 công trình hư hỏng nặng, đề nghị thanh lý.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.