Multimedia Đọc Báo in

Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc từ trong trường học

09:48, 22/11/2017

Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc là một trong những nội dung giáo dục quan trọng ở Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở Cư Kuin (huyện Cư Kuin), nhằm giúp học sinh vừa tiếp thu những tiến bộ xã hội, vừa giữ gìn, phát huy tốt nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.

Trường được thành lập từ năm 2012, năm học 2017-2018 nhà trường có 160 học sinh là con em đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện, trong đó đa số là dân tộc Êđê (121 em), còn lại là các dân tộc Tày, Nùng... Theo thầy Hồ Phi Cường, Hiệu trưởng nhà trường, với đặc thù là trường nuôi dạy con em đồng bào dân tộc thiểu số nên các trường phổ thông dân tộc nội trú luôn là môi trường gìn giữ, phát triển bản sắc văn hóa của các dân tộc một cách hiệu quả nhất, có thể giáo dục cho các em biết tu dưỡng và có ý thức tự tôn dân tộc ngay lúc còn nhỏ. 

Một buổi học đánh cồng chiêng của các em học sinh trường nội trú.
Một buổi học đánh cồng chiêng của các em học sinh trường nội trú.

Trong những năm qua, Ban Giám hiệu nhà trường luôn tạo điều kiện cho các em tiếp cận và trải nghiệm với các giá trị văn hóa truyền thống, trong đó phải kể đến không gian văn hóa cồng chiêng. Năm học 2013-2014, được Hội phụ huynh học sinh tự nguyện đóng góp mua tặng bộ cồng chiêng trị giá 17 triệu đồng, nhà trường đã thành lập Câu lạc bộ (CLB) cồng chiêng trong học sinh, mời nghệ nhân về dạy cồng chiêng tại trường. Qua 3 năm, nhà trường đã tổ chức được 3 lớp học cồng chiêng, mỗi lớp từ 8 - 10 học sinh. 

Em Y Dên Êban (buôn Jun A, xã Ea Ktur) cho biết: “Em mới vào học tại trường trong năm học này, khi nhà trường tổ chức lớp học cồng chiêng em đã đăng ký ngay. Tuy đã biết về đánh cồng chiêng nhưng em vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong các tiết tấu nhanh. Hy vọng qua lớp học này em có thể đánh cồng chiêng nhuần nhuyễn hơn để sau này có dịp thể hiện trong các lễ hội của buôn làng”. Tiếp nối thành công từ những CLB trước, trong thời gian sắp tới, nhà trường sẽ mở rộng từ CLB cồng chiêng học sinh thành CLB cồng chiêng cán bộ, giáo viên, học sinh và tập trung dạy cho các em học sinh lớp 6 để các em có thời gian gắn bó với CLB lâu hơn.

Ngoài việc đăng ký học chứng chỉ tiếng Êđê, các thầy cô giáo còn chủ động học tiếng Êđê từ học sinh và người dân, mời nghệ nhân dạy cho các em hát những bài hát bằng tiếng Êđê. Nhà trường còn đưa vào dạy tiếng Êđê với 2 tiết/tuần cho khối lớp 6, lớp 7. Đặc biệt, hưởng ứng phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, nhấn mạnh tiêu chí “Giáo dục kỹ năng sống”, nhà trường thường xuyên tổ chức các buổi ngoại khóa, trong đó các nội dung liên quan đến văn hóa người Êđê, Tày, Nùng như các trò chơi, phong tục tập quán, ẩm thực... thu hút nhiều học sinh tham gia. Nhà trường còn tận dụng văn phòng Đoàn làm phòng trưng bày những sản phẩm văn hóa của các dân tộc như trang phục, vật dụng, gùi, nỏ, cồng chiêng, các loại các nhạc cụ khác của dân tộc Êđê để các em học sinh tham quan, tìm hiểu và sử dụng trong các chương trình do nhà trường tổ chức.

Tuy các hiện vật chỉ là mô hình và chưa phong phú, nhưng việc sưu tầm, gìn giữ những tài liệu, hiện vật có liên quan đến văn hóa dân tộc trong nhà trường đã đáp ứng nhu cầu học tập, cung cấp thông tin, phổ biến tri thức để thực hiện nhiệm vụ giáo dục truyền thống cho giáo viên, nhân viên và học sinh. Đó cũng là cách trực tiếp khơi gợi ở các em học sinh ý thức kết hợp học tập nếp sống văn minh, biết tận dụng những kiến thức khoa học vào cuộc sống với việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc được lưu giữ từ ngàn đời.

Băng Châu - Hoàng Ân


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.