Ngành Y tế nâng cao chất lượng tiêm chủng
Từ nhiều năm nay, tiêm chủng nói chung và tiêm chủng mở rộng nói riêng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được ngành Y tế tỉnh quan tâm đẩy mạnh.
Báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho thấy, trong 8 tháng đầu năm 2017, số trẻ em dưới 1 tuổi trên địa bàn được tiêm chủng đầy đủ đạt tỷ lệ 60,8%; tiêm vắc xin Sởi cho trẻ 18 tháng tuổi đạt 60%; tiêm vắc xin DPT cho trẻ 18 tháng tuổi đạt 60,8%; tiêm vắc xin phòng uốn ván (UV 2+) cho bà mẹ mang thai đạt 57,2%, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15-35 tuổi) đạt 70,3%. So với cùng kỳ của những năm trước, các tỷ lệ này đều được duy trì, đạt và vượt so với kế hoạch đề ra.
Tiêm vắc xin phòng bệnh cho trẻ tại Trạm Y tế phường Tự An (TP. Buôn Ma Thuột). |
Để đạt được kết quả đó, thời gian qua Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã thực hiện tốt các hoạt động tiêm chủng thường xuyên, các chiến dịch tiêm chủng trên địa bàn; bảo đảm công tác an toàn tiêm chủng theo quy định của Bộ Y tế; tổ chức các lớp tập huấn về quản lý vắc xin và an toàn tiêm chủng, cấp chứng chỉ An toàn tiêm chủng cho các cán bộ y tế làm công tác tiêm chủng. Đồng thời, chất lượng của công tác giám sát tiêm chủng cũng được nâng cao, sau mỗi đợt giám sát đều có thông báo phản hồi về kết quả giám sát công tác tổ chức thực hiện buổi tiêm chủng cho các cơ sở tiêm chủng. Việc cung cấp vắc xin, vật tư phục vụ cho tiêm chủng luôn bảo đảm đầy đủ và kịp thời. Đến nay, tất cả các trung tâm y tế, trạm y tế, bệnh viện trên địa bàn tỉnh đều đã có dây chuyền bảo quản vắc xin như: tủ lạnh, tủ làm mát, phích đựng vắc xin, nhiệt kế.
Bác sĩ Phạm Văn Lào, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh
|
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền về tiêm chủng mở rộng được triển khai mạnh mẽ, ngoài truyền thông gián tiếp trên phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống loa phát thanh còn có truyền thông tư vấn trực tiếp tại trạm y tế, bệnh viện, trường học và tại cụm dân cư. Nhờ vậy nhận thức của người dân về tiêm vắc xin phòng bệnh, cũng như giám sát trẻ sau tiêm đã được nâng lên. Đơn cử như trường hợp của chị Lê Thị Thanh Tâm, ở thôn 9, xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột. Trước đây, khi đưa con đi tiêm phòng, chị thường hay lo lắng và phân vân. Tuy nhiên, lúc tới trạm y tế, được tư vấn về tác dụng, lợi ích và những phản ứng sau khi tiêm vắc xin phòng bệnh cùng với việc con chị được khám sàng lọc trường hợp chống chỉ định trước khi tiêm, chị đã yên tâm hơn nên đã cho con tiêm khá đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh, kể cả một số loại vắc xin dịch vụ.
Theo bác sĩ Phạm Văn Lào, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, hằng năm, Đắk Lắk duy trì tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ đạt từ 95-98%. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 40 điểm lõm về tiêm chủng, không đạt được số lượng tiêm chủng, thậm chí nhiều điểm tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ chỉ đạt khoảng 50%. Để tháo gỡ khó khăn này và thực hiện được mục tiêu đưa tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ trên địa bàn xã, phường thị trấn đạt 95%, hiện Trung tâm đã xây dựng kế hoạch thành lập các đội tiêm chủng cơ động, đến tận các điểm lõm tuyên truyền, vận động bà con đưa trẻ đi tiêm chủng. Ngoài ra, để công tác tiêm chủng mở rộng trên địa bàn tỉnh được duy trì bền vững, trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tập trung chỉ đạo việc duy trì tiêm chủng đầy đủ 8 loại vắc xin cho trẻ dưới 1 tuổi; đảm bảo 100% cán bộ làm công tác tiêm chủng được tập huấn và cấp chứng chỉ An toàn tiêm chủng; tăng cường điều tra các đối tượng tiêm chủng, nhất là đối tượng ở vùng sâu vùng xa; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn về tiêm chủng cho người dân và bà mẹ có con trong độ tuổi tiêm chủng...
Kim Oanh
Ý kiến bạn đọc