Triển vọng từ tổ hợp tác trồng nấm ở Ea Kpam
Những năm gần đây, nhiều đoàn viên, thanh niên huyện Cư M’gar đã phát triển nhiều mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao, trong đó có thể kể đến tổ hợp tác trồng nấm của thanh niên ở thôn 6 (xã Ea Kpam). Cách làm này đã tạo thuận lợi trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Cuối năm 2016, anh Nguyễn Cảnh Hùng, một thành viên của tổ hợp tác trồng nấm, đầu tư trồng 7.000 bịch nấm song do chưa có kinh nghiệm, thiếu kiến thức, kỹ thuật trồng nấm… nên bị thất bại. Sau đó, anh Hùng vận động thêm 3 thanh niên khác đến huyện Krông Ana, nơi có phong trào trồng nấm phát triển mạnh của tỉnh, để học hỏi thêm về cách trồng và chăm sóc, tìm đầu ra cho sản phẩm. Sau 6 tháng học tập kinh nghiệm, các thành viên góp vốn và vay thêm 100 triệu đồng từ nguồn vay từ Trung ương Đoàn để thành lập tổ hợp tác trồng nấm.
Anh Nguyễn Cảnh Hùng (bìa trái) đang giới thiệu về mô hình trồng nấm. |
Trại trồng nấm có diện tích 120 m2 , được xây dựng cao ráo, thoáng mát, xung quanh được bao bọc bằng túi bóng, vừa hạn chế mầm bệnh xâm nhiễm, vừa thuận lợi cho việc điều tiết nhiệt độ bên trong để phù hợp với sự sinh trưởng và phát triển của nấm. Mới đầu, tổ triển khai thử nghiệm trồng 10.000 bịch phôi giống bào ngư, đây là loại nấm dễ trồng, không tốn nhiều diện tích, ít công chăm sóc và là nguồn thực phẩm bổ dưỡng, rất có lợi cho sức khỏe... Để có chất lượng nấm tốt nhất, các khâu chăm sóc phải tuân thủ nghiêm ngặt theo đúng quy trình, như: cấy giống, ươm tơ, nhiệt độ, độ ẩm, đồng thời phải thường xuyên theo dõi để tránh các loại sâu, bệnh thường gặp trên cây nấm…
Qua khoảng 2 tháng chăm sóc, nấm bắt đầu cho thu hoạch và mang lại những kết quả khả quan, tính đến nay tổ hợp tác đã thu được hơn 2 tạ nấm, sản phẩm chủ yếu được tiêu thụ tại thị trường TP. Hồ Chí Minh, với giá bán 25.000 đồng/kg. Theo anh Hùng dự kiến, với 10.000 bịch nấm khi thu hoạch xong tổng số nấm thu được sẽ được khoảng trên 3 tấn… Anh Hùng cho hay: “Chúng tôi tự mua mùn cưa, nhập giống, tự đóng bịch, tự cấy, tự ươm tơ rồi đưa ra nuôi trồng, cấy xong khoảng 60 ngày là có thu. Khoảng 1.000 bịch nấm, chúng tôi đã thu được 40 kg, nấm ra to và dày, sau khi thu hoạch xong 10.000 bịch dự kiến thu nhập sẽ được 75 triệu đồng, sau khi trừ chi phí thì lãi khoảng một nửa. Năm nay, chúng tôi dự kiến sẽ làm thêm 30.000 bịch nữa, sang năm sau thì sẽ làm nhiều hơn và đưa thêm một số loại nấm khác vào trồng như: nấm mèo, linh chi, milky (hoàng đế)… để cung cấp cho thị trường. Hiện có 3 hộ gia đình đã đăng ký hợp tác sản xuất cùng chúng tôi…”.
Đánh giá về tổ hợp tác trồng nấm trên địa bàn xã, anh Nguyễn Thanh Tùng, Bí thư Đoàn xã Ea Kpam cho biết: “Triển khai tổ hợp tác sản xuất, các thành viên có thể hỗ trợ cho nhau về vốn, đất đai, kỹ thuật… Đến nay, sau 1 thời gian thực hiện, tổ hợp tác trồng nấm hiện đã có những bước phát triển tốt, có triển vọng. Tổ hợp tác trồng nấm cũng được xem là hình mẫu trong hợp tác cùng nhau làm kinh tế của thanh niên trên địa bàn xã”.
Trung Dũng
Ý kiến bạn đọc