Multimedia Đọc Báo in

Bảo hiểm xã hội tự nguyện – Cơ hội để bảo đảm cuộc sống khi về già

10:40, 25/12/2017

Bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện là một chính sách an sinh xã hội nhân văn của Đảng và Nhà nước, giúp người lao động tự do có cơ hội được hưởng lương hưu, bảo đảm cuộc sống khi về già. Tuy nhiên, để chính sách này thực sự đi vào cuộc sống cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Trước đây, nếu người lao động đã đến tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ năm tham gia đóng BHXH thì chỉ có thể giải quyết chế độ một lần. Tuy nhiên, khi chính sách BHXH tự nguyện được ban hành và có hiệu lực từ năm 2008 đã tạo cơ hội cho người lao động được hưởng chế độ hưu trí.

Ông Nguyễn Tấn Chính (SN 1955) ở thôn 12, xã Hòa Khánh (TP. Buôn Ma Thuột) mới tham gia đóng BHXH bắt buộc được 10 năm 6 tháng thì đến tuổi nghỉ hưu, cộng cả thời gian cống hiến trong quân đội cũng mới được 15 năm 8 tháng. Sau khi được BHXH thành phố tư vấn, hướng dẫn, vợ chồng ông quyết định tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện, đóng hơn 136,7 triệu đồng cho thời gian 4 năm 4 tháng còn thiếu để đủ điều kiện hưởng lương hưu. Cầm trên tay số tiền trên 2,4 triệu đồng tiền lương hưu tháng 12-2017, ông Chính vui mừng: “Mới đóng tiền xong hồi tháng 7-2017 thì đến tháng 8 vừa rồi tôi đã có quyết định về hưu. Nếu không có chính sách BHXH tự nguyện thì tôi không thể có cơ hội được hưởng chế độ hưu trí. Tôi rất vui và yên tâm, không phải lo lắng cuộc sống khi về già”.

Ông Nguyễn Tấn Chính nhận lương hưu tháng 12 tại Điểm Bưu điện xã Hòa Khánh.
Ông Nguyễn Tấn Chính nhận lương hưu tháng 12 tại Điểm Bưu điện xã Hòa Khánh.

Bà Tạ Thị Cẩm Ngọc (SN 1964) ở phường Tân Lợi (TP. Buôn Ma Thuột) có thời gian đóng BHXH bắt buộc tại Công ty Cổ phần Quản lý và Xây dựng đường bộ 26 được 13 năm 10 tháng. Sau khi mất việc làm, bà đã tham gia BHXH tự nguyện từ tháng 1-2013, đến nay đã đóng được 18 năm 10 tháng. Bà Ngọc tâm sự: Nếu giải quyết chế độ một lần thì sau này khi về già không biết trông chờ vào đâu nên quyết định tham gia BHXH tự nguyện. Hiện bà Ngọc chỉ cần đóng thêm 1 năm 2 tháng nữa rồi chờ đến khi đủ tuổi là được hưởng hưu.

 

“Các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cũng cần xem xét điều chỉnh một số quy định để người tham gia BHXH tự nguyện cũng được hưởng các quyền lợi tương đương như BHXH bắt buộc” - 

 
 
Bà Nguyễn Thị Xuân, Phó Giám đốc BHXH tỉnh

Theo ông Lê Xuân Khánh, Trưởng phòng Khai thác và Thu hồi nợ, BHXH tỉnh, Luật BHXH năm 2014 đã điều chỉnh quy định về BHXH tự nguyện theo hướng có lợi hơn cho người lao động như: bỏ quy định trần tuổi khi tham gia BHXH tự nguyện; bỏ quy định mức sàn thu nhập đóng BHXH tự nguyện, hiện nay thấp nhất bằng mức lương cơ sở (154.000 đồng/tháng),  cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở (5.720.000 đồng/tháng) để người dân lựa chọn mức đóng tùy theo thu nhập của mình; cho phép người lao động đủ điều kiện về tuổi đời nhưng chưa đủ thời gian đóng BHXH được đóng cho đến khi đủ điều kiện hưởng lương hưu hoặc đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm một lần; đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia BHXH đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm... Thêm vào đó, từ 1-1-2018, người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng (30%, 25%, 10% tùy theo đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo và đối tượng khác) trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn.

Công nhân Công ty TNHH Một thành viên Đô thị và Môi trường Đắk Lắk nêu ý kiến thắc mắc liên quan đến chế độ BHXH tại buổi đối thoại với BHXH tỉnh.
Công nhân Công ty TNHH Một thành viên Đô thị và Môi trường Đắk Lắk nêu ý kiến thắc mắc liên quan đến chế độ BHXH tại buổi đối thoại với BHXH tỉnh.

Mặc dù luật đã có nhiều hướng mở nhưng người lao động vẫn chưa mặn mà tham gia BHXH tự nguyện. Tính từ khi triển khai (năm 2008) đến cuối tháng 11-2017, toàn tỉnh mới có 2.097 người tham gia (chiếm 0,14% số người trong độ tuổi lao động). Trong đó phần lớn là những lao động đã tham gia BHXH bắt buộc nhưng còn thiếu thời gian nên tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện để đủ điều kiện hưởng hưu. Ông Khánh cho rằng: Nguyên nhân là do thu nhập của người lao động tự do, nhất là ở khu vực nông thôn còn thấp, không ổn định; công tác tuyên truyền chưa sâu rộng; một số nơi chính quyền địa phương chưa chú trọng triển khai thực hiện chính sách BHXH tự nguyện. Hơn nữa, theo quy định hiện hành, khi tham gia BHXH tự nguyện, người lao động mới chỉ được hưởng hưu trí và tử tuất, còn các chế độ khác như ốm đau, thai sản, tai nạn lao động thì chưa được hưởng.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.