Multimedia Đọc Báo in

Đổi mới trong công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật cho phụ nữ

08:48, 25/12/2017

Công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao kiến thức, ý thức chấp hành pháp luật cho phụ nữ ở cơ sở được các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.

Trong năm 2017, hoạt động nổi bật của Hội LHPN tỉnh trong công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho phụ nữ là việc định kỳ hằng tháng, Hội chủ trì, phối hợp tổ chức đối thoại trực tiếp với hội viên phụ nữ thông qua chương trình “Hãy nghe hội viên, phụ nữ nói” nhằm giải đáp kịp thời những bức xúc, kiến nghị của chị em cũng như góp phần hạn chế khiếu kiện đông người, ổn định trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

Đơn cử tại buổi đối thoại với hội viên phụ nữ xã Ea H’leo (huyện Ea H’leo) mới đây, đại diện cán bộ, hội viên, phụ nữ địa phương đã nêu hơn 20 ý kiến về những vấn đề như: Giải quyết việc làm; phòng chống bạo lực gia đình; tách, nhập hộ khẩu; thủ tục đăng ký kết hôn, khai sinh cho con; quyền, nghĩa vụ bảo vệ trẻ em trước những tệ nạn xã hội… Tất cả các ý kiến phản ánh đã được lãnh đạo Hội LHPN tỉnh, Công an tỉnh, Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan ở địa phương trực tiếp giải đáp.

Cán bộ  Hội LHPN huyện  Cư M'gar tuyên truyền Luật  Hôn nhân  và Gia đình cho hội viên phụ nữ  trên địa bàn.
Cán bộ Hội LHPN huyện Cư M'gar tuyên truyền Luật Hôn nhân và Gia đình cho hội viên phụ nữ trên địa bàn.

Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được hơn 200 CLB “Phụ nữ với pháp luật” và “Chi hội phụ nữ thực hiện và chấp hành pháp luật” tại cộng đồng; xây dựng tủ sách, ngăn sách pháp luật tại các chi hội với trên 5.000 đầu sách, đáp ứng tốt nhu cầu tìm hiểu pháp luật của phụ nữ.

Ngoài đối thoại trực tiếp, Hội LHPN tỉnh cũng chỉ đạo các cấp Hội chú trọng xây dựng các mô hình vận động, giáo dục sát với nhu cầu, nguyện vọng của hội viên, phụ nữ. Thành lập từ năm 2012, CLB Phụ nữ với pháp luật ở phường Tân An (TP. Buôn Ma Thuột) hiện có hơn 40 thành viên sinh hoạt định kỳ theo quý với chủ đề, nội dung đa dạng, phong phú dưới nhiều hình thức khác nhau. Tùy tình hình thực tế tại địa phương mà CLB xây dựng kế hoạch tuyên truyền cho phù hợp, giúp chị em phụ nữ kịp thời nắm bắt thông tin, cập nhật những kiến thức, văn bản pháp luật mới nhất. Để nâng cao chất lượng các hoạt động tuyên truyền cũng như tạo không khí sôi nổi trong các buổi sinh hoạt, CLB còn tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ, hái hoa dân chủ... Qua các buổi sinh hoạt, mỗi thành viên trong CLB không những được nâng cao hiểu biết cho bản thân mà còn trở thành những tuyên truyền viên tích cực tới gia đình, người thân và các chị em hội viên trên địa bàn phường. Sau 5 năm hoạt động, 100% gia đình thành viên CLB đạt danh hiệu gia đình văn hóa, góp phần bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.

Cán bộ Hội LHPN tỉnh tư vấn pháp luật cho hội viên phụ nữ huyện Cư Kuin.
Cán bộ Hội LHPN tỉnh tư vấn pháp luật cho hội viên phụ nữ huyện Cư Kuin.

Nhiều năm trở lại đây, các cấp Hội không ngừng đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức pháp luật cho phụ nữ ở các địa phương. Tuy nhiên, theo đánh giá của Hội LHPN tỉnh, tình trạng vi phạm pháp luật có liên quan đến phụ nữ vẫn diễn ra, thậm chí có chiều hướng gia tăng, phức tạp cả về số lượng và tính chất vụ việc. Vì vậy, bên cạnh công tác tuyên truyền về phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội thì Hội Phụ nữ các cấp cần tăng cường phối hợp với các CLB pháp luật, trợ giúp pháp lý ở cơ sở và các cơ quan có thẩm quyền tư vấn, hỗ trợ pháp luật cho phụ nữ. Qua đó góp phần hạn chế những mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng dân cư, giảm thiểu tình trạng đơn thư vượt cấp; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân, góp phần ổn định an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội địa phương.

Vân Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.