Hiệu quả từ tuyên truyền lưu động về phòng tránh tai nạn do bom, mìn
Ngoài các buổi nói chuyện chuyên đề, triển lãm trực quan, thời gian qua, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh còn tổ chức hàng chục chuyến xe lưu động về tận các buôn làng, ngõ xóm, khu dân cư để tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hướng dẫn cách phòng tránh tai nạn do bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh đến mọi cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên địa bàn.
“Chiến tranh đã lùi xa, nhưng hậu quả bom mìn sau chiến tranh để lại vẫn rất nặng nề. Bom mìn là cái chết không báo trước, đôi khi, chỉ vì sự thờ ơ, vô ý, chủ quan sẽ phải trả giá bằng tính mạng của bản thân và rất nhiều người. Hãy luôn luôn cảnh giác với bom đạn…” - mỗi lần giọng đọc của Trung úy quân nhân chuyên nghiệp H’Lễ Niê (nhân viên Ban Tuyên huấn, Phòng Chính trị) cất lên từ chiếc loa phóng thanh đặt trên xe lưu động đều khiến người nghe chú ý, rùng mình.
Cán bộ Bộ CHQS tỉnh hướng dẫn thầy trò lớp 9A3 Trường THCS Nguyễn Tất Thành cách nhận biết, phòng tránh bom mìn, vật nổ. |
Với các em học sinh lớp 9A3 Trường THCS Nguyễn Tất Thành (thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar), giờ ra chơi trong ngày trung tuần tháng 12 vừa qua thật sự rất thú vị thú vị và bổ ích bởi các em được các chú bộ đội tuyên truyền về tác hại khủng khiếp của bom mìn, vật nổ và được hướng dẫn kỹ năng cần thiết về cách nhận biết, phòng tránh bom mìn để bảo vệ chính bản thân mình và những người thân. Thầy Phạm Văn Dương, giáo viên thể dục Trường THCS Nguyễn Tất Thành chia sẻ: “Các em học sinh thường rất hiếu động, tò mò, nhất là trong các giờ học ngoài trời. Nội dung tuyên truyền của bộ đội rất hữu ích đối với chúng tôi. Nhà trường luôn nhắc nhở các em khi phát hiện bom mìn cần phải giữ nguyên hiện trường và kịp thời thông báo cho cơ quan chức năng để xử lý, tuyệt đối không được tụ tập lại xem hay tác động, di chuyển chúng”.
Đắk Lắk từng là chiến trường khốc liệt trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề do hậu quả của bom mìn sót lại sau chiến tranh. Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng gần 13.000 ha đất bị “ô nhiễm” bom, mìn. Nhiều trường hợp người dân trong khi thi công các công trình xây dựng, đào hố trồng tiêu, cà phê… đã phát hiện bom mìn, vật nổ. Từ năm 2010 đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 4 vụ tai nạn bom mìn làm 3 người chết, 7 người bị thương. Các cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý tiêu hủy hơn 6.400 quả bom, mìn và vật liệu nổ, trong đó có hàng chục quả bom cỡ lớn từ 250 kg trở lên, hàng trăm quả đạn pháo 105 mm, cùng hàng nghìn ký đạn còn nguyên kíp nổ.
Trước khi xe cơ động đến các địa bàn, bộ đội đều nghiên cứu, tính toán kỹ để công tác tuyên truyền vừa đạt hiệu quả tối ưu vừa không gây ảnh hưởng đến hoạt động lao động, sản xuất, sinh hoạt của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân. Qua các buôn làng, khu vực chợ, nơi tập trung đông người ở các huyện Krông Pắc, Cư M’gar, Krông Ana, Buôn Đôn hay TP. Buôn Ma Thuột… xe lưu động thường đi chậm hoặc dừng lại lâu hơn, phát đi phát lại các nội dung cần tuyên truyền. Đến các trường học, sau khi liên hệ với Ban Giám hiệu nhà trường, các chiến sĩ tranh thủ khoảng thời gian ra chơi vừa “phát sóng”, vừa trực tiếp tuyên truyền, hướng dẫn cho các giáo viên, học sinh về đặc điểm nhận dạng, tính chất nguy hiểm của các loại bom, mìn thường gặp để mọi người biết cách phòng tránh.
Đại tá Trần Ngọc Sương, Phó Chủ nhiệm Chính trị, Bộ CHQS tỉnh cho biết: “Chúng tôi nhận được nhiều phản hồi rất tích cực của cấp ủy, chính quyền và người dân về hiệu quả ban đầu của những chuyến xe tuyên truyền lưu động. Bộ CHQS tỉnh vừa tiến hành thu âm, in sao các nội dung về cách nhận biết, phòng chống, khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ ra khoảng 200 đĩa CD cấp cho 184 xã, phường, thị trấn và các đơn vị lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh để đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền”.
Theo thống kê của Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia, trung bình mỗi năm ở Việt Nam, bom mìn sót lại sau chiến tranh đã cướp đi tính mạng của hơn 1.500 người và khiến hơn 2.000 người khác phải mang thương tật suốt đời. Hiện nay, trong lòng đất vẫn còn hàng nghìn tấn bom đạn, gây ra nhiều khó khăn trong sản xuất và đời sống của người dân, làm ô nhiễm môi trường nặng nề, cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội. |
Thuận An
Ý kiến bạn đọc