Multimedia Đọc Báo in

Mô hình "Đường hoa phụ nữ" ở xã Tân Lập

15:10, 10/12/2017

Nhằm từng bước xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn xanh - sạch - đẹp, đồng thời nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường, từ đầu năm 2017, Hội Phụ nữ xã Tân Lập (huyện Krông Búk) đã triển khai mô hình điểm “Đường hoa phụ nữ” tại một số tuyến đường thôn 1.

Sau thời gian thực hiện, mô hình đã phát huy hiệu quả, tạo điểm nhấn trong bức tranh phong cảnh của làng quê.

Chị Lương Thị Định, hội viên chi hội phụ nữ thôn 1 cho biết, ngay sau khi được Hội Phụ nữ xã chọn thí điểm xây dựng mô hình “Đường hoa phụ nữ”, chi hội phụ nữ thôn 1 đã phổ biến đến các tổ phụ nữ và nhận được sự hưởng ứng tích cực của hầu hết hội viên. Người góp công, người góp tiền mua các loại hoa có sức sống tốt, thích ứng môi trường, thời tiết và nở quanh năm như mười giờ, lạc tiên, mào gà… trồng bên lề đường của thôn. Khi mới bắt đầu triển khai, chi hội phụ nữ thôn đã khảo sát, lựa chọn tuyến đường xóm 3, sau đó nhân rộng ra một số tuyến đường khác trong thôn, trong đó có một số đoạn thường xuyên là nơi xả rác của một số hộ dân, gây mất mỹ quan, ô nhiễm môi trường. Đến nay, chi hội đã trồng được hơn 600 mét đường hoa. Hằng tuần, chị em đều tích cực dọn vệ sinh và chăm sóc đoạn đường hoa, góp phần làm đẹp cảnh quan nông thôn.

Chị em phụ nữ thôn 1, xã Tân Lập (huyện Krông Búk) đang chăm sóc đường hoa.
Chị em phụ nữ thôn 1, xã Tân Lập (huyện Krông Búk) đang chăm sóc đường hoa.

Chị Nguyễn Thị A, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tân Lập cho biết: Việc xây dựng và phát triển mô hình “Đường hoa phụ nữ” đã góp phần đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động xây dựng “Gia đình 5 không, 3 sạch” do Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động gắn với xây dựng làng xã “sạch - xanh - sáng - đẹp” trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Những con đường hoa hình thành đã thay đổi nhận thức của người dân về vấn đề vệ sinh môi trường và bảo đảm hành lang an toàn giao thông. Ở những nơi đã trồng hoa, không còn tình trạng vứt rác thải bừa bãi như trước; một số hộ dân cũng không lấn chiếm hành lang an toàn giao thông để trồng cây lâu năm, căng lều bạt để kinh doanh, buôn bán. Điều này góp phần giúp xã giữ vững và nâng cao chất lượng tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới. 

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.