Multimedia Đọc Báo in

Nỗ lực giảm nghèo ở Krông Á

08:51, 01/12/2017

Theo số liệu thống kê đến cuối năm 2016, xã Krông Á (huyện M’Đrắk) có 897 hộ với 3.716 khẩu, trong đó có 506 hộ nghèo (chiếm 56,4%), 138 hộ cận nghèo (chiếm 15,38%) – là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao trên địa bàn huyện.

Nguyên nhân của tình trạng hộ nghèo cao chủ yếu là do: thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, ít công trình thủy lợi nên thường xảy ra hạn hán kéo dài trong khi người dân thu nhập chủ yếu từ sản xuất cây hoa màu ngắn ngày; diện tích đất sản xuất ít, phần lớn đã bạc màu gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp và canh tác các loại cây công nghiệp dài ngày; các hộ sản xuất nông nghiệp không tập trung, diện tích lúa nước manh mún, phương thức sản xuất nhỏ lẻ; việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi còn nhiều hạn chế, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất chưa nhiều…

Mô hình trồng mía cao sản  tại thôn 3, xã Krông Á.
Mô hình trồng mía cao sản tại thôn 3, xã Krông Á.

Trước tình hình đó, để nâng cao thu nhập cho người dân, xã Krông Á đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp phát triển sản xuất, lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ sinh kế, đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất… Cụ thể, từ đầu năm đến nay, xã Krông Á đã hoàn thành hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho 56 hộ dân với tổng kinh phí trên 69 triệu đồng, trong đó có 16.813,4 m2 diện tích đất trồng lúa 2 vụ, 80.250 m2 đất quy đổi trồng màu; hỗ trợ bò sinh sản cho 36 hộ dân với tổng số tiền 787 triệu đồng; hỗ trợ 4 hộ dân xây dựng nhà 167 theo Quyết định số 33 với mức 25 triệu đồng/hộ... Xã cũng đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện ủy thác, tín chấp cho 568 lượt hộ nghèo, đối tượng chính sách được vay ưu đãi gần 13 tỷ đồng đầu tư phát triển sản xuất.

Bên cạnh đó, Chính quyền xã Krông Á tăng cường khuyến khích người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa các giống cây, con có giá trị kinh tế cao vào sản xuất; tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc và phòng trừ bệnh, phương pháp thâm canh cây trồng và thiết kế đường ống tiết kiệm nước trên cây hồ tiêu, kỹ thuật trồng cây lúa nước giống thuần và trồng sắn theo phương pháp mới, kỹ thuật chăn nuôi, phòng và trị bệnh đàn gia súc, gia cầm trong tình hình thời tiết giao mùa...; phổ biến tiến bộ kỹ thuật, hỗ trợ bà con nhân rộng mô hình công nghệ tiên tiến vào sản xuất... Trong 10 tháng đầu năm 2017, các hộ dân trên địa bàn xã đã tích cực chuyển đổi hơn 23 ha cây trồng các loại, gồm: 3,7 ha chanh dây, 11,5 ha chuối tiêu hồng, 2 ha nghệ, 1,3 ha bơ, 1,5 ha sầu riêng và dừa xiêm, 2 ha mắc-ca. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã giúp nhiều gia đình nâng cao thu nhập, thoát nghèo. Điển hình như hộ ông Vũ Văn Bội ở thôn 2 đã chuyển đổi 1,2 ha đất sản xuất sang trồng cây chanh dây, thu hoạch từ 60 - 80 tấn/ha, mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Mô hình chuyển đổi trồng cây chanh dây tại gia đình ông Vũ Văn Bội ở thôn 2, xã Krông Á.
Mô hình chuyển đổi trồng cây chanh dây tại gia đình ông Vũ Văn Bội ở thôn 2, xã Krông Á.

Theo kế hoạch, năm 2017 xã Krông Á phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 4 -4,5%. Tuy nhiên, với nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã, theo điều tra rà soát sơ bộ hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2017 tại 7 thôn, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã đã giảm mạnh: giảm gần 5,2% so với cuối năm 2016, đưa tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 51,2%. Phát huy kết quả đã đạt được, xã Krông Á tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp như: tăng cường tuyên truyền, vận động người dân mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi; huy động các nguồn lực đầu tư, nâng cấp, sửa chữa hệ thống tưới tiêu để phục vụ nước sản xuất; đẩy mạnh tập huấn cho nông dân, tập trung vào các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực của địa phương...

Thu Nguyệt


Ý kiến bạn đọc