Phòng chống HIV/AIDS: Khó mở rộng chương trình điều trị
Những năm qua, mặc dù công tác phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, song do kinh phí hạn hẹp, nhân lực hạn chế, sự kỳ thị phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS vẫn diễn ra phổ biến ở nhiều nơi khiến công tác này vẫn gặp không ít khó khăn.
Theo thống kê của Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh, tính đến tháng 10 - 2017 toàn tỉnh có 2.174 người nhiễm HIV, trong đó 992 người đã chuyển sang giai đoạn AIDS và 426 người đã tử vong do AIDS. Số người nhiễm HIV đã được ghi nhận ở 15/15 huyện, thị xã, thành phố với 162/184 xã, phường.
Cán bộ Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh tư vấn cho người nhiễm HIV . |
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Vinh, Phó Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh, những năm gần đây, mặc dù số trường hợp nhiễm HIV có xu hướng chững lại, song nhìn một cách toàn diện thì dịch bệnh vẫn diễn biến khá phức tạp, vì tỷ lệ người nhiễm HIV đang có xu hướng ngày càng trẻ hóa. Hiện nay, người nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh tập trung ở độ tuổi từ 20 đến 39 - lực lượng lao động chính trong xã hội và có sự dịch chuyển từ nam sang nữ.
Trong khi dịch bệnh HIV/AIDS trên địa bàn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát thì công tác phòng, chống HIV/AIDS lại gặp không ít khó khăn. Hiện nay, độ bao phủ xét nghiệm HIV vẫn còn hạn chế khiến người dân ở vùng sâu vùng xa khó tiếp cận dịch vụ, do đó còn nhiều trường hợp người nhiễm HIV chưa được xét nghiệm HIV và không biết tình trạng nhiễm HIV. Hơn nữa, Chương trình phòng, chống HIV/AIDS đang thiếu hụt nghiêm trọng đội ngũ cán bộ tại tất cả các tuyến. Đã vậy, một số cán bộ có trình độ và kinh nghiệm lại xin chuyển công tác sang lĩnh vực khác do công việc căng thẳng, vất vả, thu nhập lại quá thấp, chưa có đãi ngộ ngành nghề, phụ cấp đặc thù, phụ cấp vùng miền. Đây cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến việc mở rộng chương trình điều trị và can thiệp giảm tác hại.
Người nhiễm HIV trên địa bàn khám sức khỏe định kỳ tại Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh. |
Đặc biệt, tình trạng phân biệt đối xử, kỳ thị với người nhiễm HIV/AIDS vẫn xảy ra, ảnh hưởng không nhỏ đến việc tiếp cận với dịch vụ điều trị của người nhiễm HIV và là rào cản cho việc xét nghiệm phát hiện HIV sớm. Chị H., một người nhiễm HIV ở phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột cho biết: Khi biết tin tôi nhiễm phải “căn bệnh thế kỷ”, nhiều người, thậm chí là người thân cũng tỏ thái độ xa lánh vì sợ lây bệnh. Những lúc như thế tôi chỉ nghĩ mình chết đi cho rồi, nhưng vì đứa con nhỏ mà tôi lại cố gồng mình lên để vượt qua...
Theo thống kê của Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh, hiện nay, nguy cơ lây nhiễm HIV trên địa bàn không chỉ tập trung chủ yếu ở nhóm nghiện chích ma túy (chiếm gần 37%) mà có xu hướng tăng cao qua đường quan hệ tình dục (trên 42%). |
Ngoài những khó khăn nói trên thì việc các nguồn viện trợ từ nước ngoài cho công tác phòng, chống HIV đang dần kết thúc, các dự án trong nước bị cắt giảm chi phí cũng gây nhiều khó khăn cho hoạt động này, nhất là việc điều trị ARV cho bệnh nhân. Bởi, theo bác sĩ Chu Đức Thảo, Trưởng Phòng khám chuyên khoa, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS: Khi các nguồn viện trợ bị cắt giảm, bệnh nhân phải tự chi trả chi phí điều trị ARV. Nhưng hầu hết bệnh nhân nhiễm HIV đều có cuộc sống khó khăn, do đó khoản chi phí này (chi phí điều trị ARV bậc 1 khoảng 6 triệu đồng/năm/người và bậc 2 là khoảng 30 triệu đồng/năm/người) sẽ trở thành gánh nặng đối với họ và việc người bệnh bỏ trị hoàn toàn có thể xảy ra.
Có thể thấy, mặc dù dịch bệnh HIV/AIDS ở tỉnh ta trong những năm qua đã được kìm chế ở mức thấp, nhưng vẫn chưa bền vững. Vì vậy, để từng bước giảm tỷ lệ người lây nhiễm HIV, số người chết do AIDS, cũng như khắc phục những khó khăn, bất cập nói trên, đòi hỏi ngành Y tế cũng như các cấp, ngành, địa phương cần có những biện pháp và hành động quyết liệt hơn; tiếp tục coi công tác phòng, chống HIV/AIDS là nhiệm vụ quan trọng, trong đó tập trung vào việc kiện toàn tổ chức; đẩy mạnh vận động chính sách, cung cấp thông tin về chương trình phòng, chống HIV/AIDS. Đồng thời đẩy mạnh truyền thông hơn nữa nhằm nâng cao nhận thức về phòng, chống HIV/AIDS cho người dân, nhất là người có hành vi nguy cơ cao, người nhiễm HIV.
Kim Oanh
Ý kiến bạn đọc