Multimedia Đọc Báo in

Ấm lòng bệnh nhân nghèo

08:12, 23/01/2018

Trong thời gian qua, những bếp ăn tình thương, nồi cháo từ thiện đã được triển khai và duy trì tại nhiều cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh. Những suất cơm, cháo miễn phí với đầy đủ dinh dưỡng như liều thuốc tinh thần quý giá, giúp nhiều bệnh nhân nghèo có thêm động lực vượt qua bệnh tật.

Giúp người bệnh yên tâm điều trị

Hơn 10 năm nay, mỗi khi đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh chạy thận nhân tạo, bà Bùi Thị Vĩnh (57 tuổi, trú xã Đắk Nang, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) đều được nhận cơm miễn phí từ chương trình “Bếp ăn tình thương” của bệnh viện. Chính sự hỗ trợ thiết thực này đã giúp bà Vĩnh yên tâm tiếp tục điều trị bệnh lâu dài. Còn chị Lê Thị Thanh (trú xã Ea Toh, huyện Krông Năng) có con bị bệnh tan máu bẩm sinh nên tháng nào cũng phải đưa con đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh để truyền máu. Đợt nào có máu thì hai mẹ con ở lại bệnh viện khoảng 2-3 ngày, nếu không có máu để truyền, chị phải chờ đợi lâu hơn. Những lúc như thế, các suất cơm miễn phí giúp mẹ con chị rất nhiều. Chị Thanh bày tỏ: “Mỗi ngày, nếu chỉ tính tiền cơm thôi cũng đã mất hơn 100.000 đồng, vì vậy các suất cơm miễn phí đã giảm được chi phí cho mẹ con tôi rất nhiều. Tôi mong bếp ăn tình thương tiếp tục được duy trì để những bệnh nhân nghèo có được điểm tựa, an tâm điều trị”. 

Một  bệnh nhân tại  Bệnh viện  Đa khoa tỉnh  được  nhận cơm miễn phí của Bếp ăn  tình thương.
Một bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh được nhận cơm miễn phí của Bếp ăn tình thương.

Được triển khai từ năm 2007, với sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm và đóng góp của cán bộ, nhân viên bệnh viện, Bếp ăn tình thương do Khoa Dinh dưỡng (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) đảm nhiệm đã trở thành điểm tựa cho hàng nghìn lượt bệnh nhân nghèo. Bác sĩ Ngô Văn Tiến, Trưởng Khoa Dinh dưỡng (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) cho biết: “Ngoài nguồn đóng góp của cán bộ, công nhân, viên chức bệnh viện,  hiện nay Bếp ăn tình thương đã nhận được sự hỗ trợ kinh phí thường xuyên và liên tục của gần 20 đơn vị, cá nhân, nhà hảo tâm trên địa bàn tỉnh. Mỗi ngày, Bếp ăn tình thương cung cấp đầy đủ ba bữa sáng, trưa, chiều với số lượng 600 suất ăn mỗi ngày (mỗi suất trị giá khoảng 10.000 đồng), trong đó có 20 suất ăn đặc biệt qua đường uống dành cho bệnh nhân phẫu thuật”.

Điều đáng trân trọng là hầu hết đội ngũ phục vụ tình nguyện tại Bếp ăn tình thương là cán bộ, nhân viên của Khoa Dinh dưỡng và những tình nguyện viên làm không lương của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn. Để những suất cơm tình thương đến đúng đối tượng được hưởng, hằng ngày các cán bộ Khoa Dinh dưỡng căn cứ vào giấy giới thiệu của các y, bác sĩ, cán bộ điều dưỡng phụ trách các khoa, phòng của bệnh viện đề xuất để cấp phát cho bệnh nhân. Dù số tiền mỗi suất ăn còn ít ỏi nhưng các tình nguyện viên của Bếp ăn tình thương luôn cố gắng bảo đảm mỗi bữa ăn có ba món và thay đổi món thường xuyên giúp người bệnh có bữa cơm đủ dinh dưỡng.

Những suất ăn chan chứa nghĩa tình

3 giờ sáng, khi màn đêm còn bao trùm không gian, nhiều người vẫn đang say giấc nồng thì bếp lửa “Nấu cháo từ thiện” của các phật tử chùa Khánh Sơn (thị trấn M’Đrắk, huyện M’Đrắk) đã rực hồng. Gần 10 năm qua, để các suất cháo đến tay bệnh nhân nghèo đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện M’Đrắk kịp giờ ăn sáng vào thứ năm hằng tuần, nhóm nấu cháo đã phải tập trung từ 2 giờ sáng để nhóm bếp, chế biến nguyên liệu… Cháo nấu cho người bệnh cần bảo đảm vệ sinh và có đủ thành phần dinh dưỡng nên toàn bộ công đoạn từ nhặt rau cho đến nấu, đóng gói, dọn rửa đồ nghề của các phật tử đều rất sạch sẽ, tinh tươm.

Những hộp cơm đủ dinh dưỡng từ nhóm tình nguyện của chị Sử Thị Bích Thủy sẵn sàng đến tay bệnh nhân nghèo tại Bệnh viện Đa khoa huyện M’Đrắk.
Những hộp cơm đủ dinh dưỡng từ nhóm tình nguyện của chị Sử Thị Bích Thủy sẵn sàng đến tay bệnh nhân nghèo tại Bệnh viện Đa khoa huyện M’Đrắk.

Hoạt động “nấu cháo từ thiện” cho bệnh nhân nghèo đã được các phật tử chùa Khánh Sơn duy trì từ năm 2008. Tùy theo số lượng bệnh nhân từng ngày tại bệnh viện, chi phí cho mỗi nồi cháo từ 200.000 – 300.000 đồng, được trích từ sự đóng góp của các nhà hảo tâm công đức tại chùa. Từ khi có hoạt động này, nhiều phật tử đến chùa cúng tế thường chở theo gạo hay hỗ trợ tiền để góp sức cùng làm việc thiện.

Cứ lặng lẽ, âm thầm nhưng đong đầy sự yêu thương, tình người, lòng nhân ái và chia sẻ, trong nhiều năm nay hàng nghìn suất cơm, cháo tình nguyện đã được trao tận tay cho bệnh nhân nghèo và người nuôi bệnh nhân. 

Ngoài nhận cháo từ thiện của phật tử chùa Khánh Sơn, các bệnh nhân Bệnh viện Đa khoa huyện M’Đrắk còn được cấp phát cơm từ một nhóm tình nguyện của chị Sử Thị Bích Thủy (chủ nhà hàng Thủy Sanh ở xã Krông Jing, huyện M’Đrắk). Các thành viên trong nhóm gồm đủ lứa tuổi, thành phần, có người sống ở cuối xã Ea Trang phải vượt qua quãng đường hơn 10 km mịt mù sương buổi sớm để tham gia với nhóm, có những em học sinh THPT tranh thủ thời gian trước giờ đến lớp, những cô giáo, chị bán tạp hóa, bà nội trợ, phật tử… cùng góp sức để chuẩn bị các suất ăn đầy đủ dinh dưỡng. Số lượng suất ăn được phát tùy thuộc vào số người bệnh nằm điều trị tại bệnh viện, trung bình mỗi ngày từ 150 – 250 suất, nhóm còn chu đáo chuẩn bị thêm 10 - 20 suất cơm dự phòng để những bệnh nhân mới nhập viện sáng hôm đó vẫn có cơm ăn. Ngoài điểm phát tại căng-tin, với những bệnh nhân không thể đến lấy trực tiếp, các thành viên của nhóm cùng với các y, bác sĩ bệnh viện tận tình đưa từng hộp cơm đến trao cho từng người.

Bác sĩ Nguyễn Quang Thừa, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện M’Đrắk cho biết, phần lớn bệnh nhân điều trị tại bệnh viện là người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, người dân ở vùng sâu vùng xa, phải lưu trú điều trị tại bệnh viện. Những việc làm thiết thực, nghĩa tình của phật tử chùa Khánh Sơn và nhóm tình nguyện của chị Thủy đã giúp bệnh nhân thêm ấm lòng.

Mỹ Hạnh – Nguyệt Sự

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.