Dẫn nước nguồn từ đỉnh Chư Tôn
Hình ảnh người dân thôn 5, xã Cư San (huyện M’Đrắk) phải thức dậy từ sáng sớm gùi, cõng nước sạch về sử dụng giờ đây chỉ còn là ký ức khi hệ thống dẫn nước từ đỉnh Chư Tôn được kéo về...
“Trước khi lấy được nước nguồn từ đỉnh núi, cứ vào mùa khô người dân thôn mình lại khốn khổ vì thiếu nước sinh hoạt, sản xuất. Để có nước dùng, người dân phải luồn rừng, băng suối nhọc nhằn cõng từng chai nước xa hàng cây số; những nhà có điều kiện hơn thì đào giếng nhưng cũng không đủ nước và nước bị nhiễm phèn. Bát nước uống đục ngầu, cây lúa, cây rau xơ xác...”, trong căn nhà ván tuềnh toàng, già Liều Seo Diêu – một trong những người có công đầu xây dựng hệ thống dẫn nước về thôn 5 nhớ lại.
Trước “cơn khát” ấy, phương án giải quyết bài toán khô hạn được Chi bộ, Ban tự quản thôn 5 đặt ra là dẫn nước từ thượng nguồn sông Giang trên đỉnh Chư Tôn về sử dụng. Đầu năm 2015, khi đề ra phương án này, nhiều người không mấy tin tưởng vào tính khả thi bởi núi cao dựng đứng, cây cối rậm rạp, nhiều nơi là vách đá khó kéo đường ống, lại chưa kể lấy đâu ra kinh phí để làm...
Già Liều Seo Diêu (thứ hai từ phải sang) kể lại những chuyến khảo sát, lắp đặt đường ống dẫn nước từ đỉnh Chư Tôn về. |
“Khó mấy cũng phải làm, không thể để tình trạng này kéo dài mãi. Nếu cứ e ngại thì đến bao giờ cuộc sống mới thay đổi được. Tuy nguồn nước ở xa tận trên núi, đưa về khó khăn nhưng nếu mọi người đồng lòng thì sẽ thành công...”, ông Trần Thanh Bình, nguyên Bí thư Chi bộ thôn 5 khi ấy (nay là Bí thư Chi bộ thôn 7) đã vận động bà con như vậy. Bao cuộc họp dân, rồi lại đến từng nhà nhỏ to phân tích lợi ích lâu dài, những người ban đầu còn e ngại phương án này cuối cùng cũng nhất trí tán thành.
Có được sự thống nhất, Chi bộ, Ban tự quản thôn 5 lại họp bàn, cử cán bộ thôn, những người có kinh nghiệm trong đi rừng và thiết kế đường ống dẫn nước đi khảo sát địa hình. Ròng rã gần 2 tháng khảo sát với nhiều chuyến đi ăn ngủ giữa rừng. Mỗi chuyến đi kéo dài cả tuần, thậm chí 15 ngày, lương thực mang theo không đủ phải cử người về lấy tiếp; gai cào, vắt cắn còn nhiều hơn cơm bữa; chưa kể bị lạc trong rừng, rồi phải khảo sát đi khảo sát lại để tìm được đường dẫn nước thuận lợi nhất... Vất vả là vậy nhưng chẳng ai nề hà, kể cả những cụ đã 65 – 70 tuổi cũng tích cực tham gia các chuyến khảo sát tìm đường dẫn nước về. Những “kỹ sư bất đắc dĩ” không quản nắng mưa, ngày đêm băng rừng, lội suối trên núi Chư Tôn đã vẽ được sơ đồ thiết kế và tính toán chi phí cần thiết để lắp đặt hệ thống đường dẫn nước.
Ông Trần Thanh Bình, nguyên Bí thư Chi bộ thôn 5
|
Cứ ngỡ khó khăn sẽ vơi bớt, nhưng đến giai đoạn tiến hành bắc đường ống lại càng khó khăn hơn: Mỗi ống nước dài 50 m, không thể cuộn lại để vận chuyển lên núi, buộc phải thả dài, kéo ngược dốc, luồn lách qua cây cối, suối, đá... Riêng việc đi lại đã gặp nhiều khó khăn, chưa kể phải đào đất, đẽo đá để đặt đường ống. Hơn 2 tháng huy động toàn dân trong thôn đào đắp, lắp đặt, nấu nướng, ăn uống ngay tại “công trường” để tiết kiệm thời gian, công sức đi lại... hệ thống dẫn nước từ đỉnh Chư Tôn “có một không hai” đã hoàn thành với chiều dài hơn 8 km (trong đó chỉ có hơn 1 km đường bằng, còn lại 7 km là ở trên núi) cùng các đường ống nhánh dẫn nước đến từng nhà và 2 bể chứa 100m3; tổng kinh phí lắp đặt hết 650 triệu đồng từ nguồn huy động nhân dân đóng góp, chưa kể ngày công bỏ ra.
Ngày vận hành hệ thống dẫn nước từ núi về, cả thôn đều đến xem, hồi hộp chờ đợi. Khi những giọt nước đầu tiên chảy về đến bể chứa ai nấy đều vui mừng bởi công sức, tiền của bỏ ra đã được đền đáp xứng đáng. “Bà con thôn 5 chủ yếu là người Mông di cư từ các tỉnh phía Bắc vào - đấy là những địa phương với đất cằn sỏi đá. Vậy thì cớ gì ở quê hương thứ hai này, đất đai màu mỡ mình lại không chinh phục, không vượt qua khó khăn được...”, già Liều Seo Diêu nói trong niềm vui.
Hệ thống đường ống dẫn nước được kéo về từ đỉnh núi phía xa. |
Giờ đây, 84 hộ, gần 470 nhân khẩu ở thôn 5 đều được dùng nước từ thượng nguồn, không còn tình trạng “khát nước” như trước nữa. Cũng từ lợi ích thiết thực của công trình mang lại, người dân trong thôn tự nhắn nhủ nhau phải gìn giữ, bảo vệ, cắt cử người thường xuyên kiểm tra, tu sửa. Và công lao của những người đầu tàu trong quá trình xây dựng hệ thống dẫn nước như: Liều Seo Diêu, Vàng Văn Sương, Trần Thanh Bình, Tráng A Sèng, Sùng Seo Châu, Giàng Seo Chính, Liều Seo Dìn... luôn được bà con trong thôn ghi nhớ.
Lan Anh
Ý kiến bạn đọc