Multimedia Đọc Báo in

Giữ gìn nghề dệt thổ cẩm ở Dang Kang

15:47, 11/01/2018

Ở xã Dang Kang (Krông Bông), một số phụ nữ Êđê vẫn còn giữ được nghề dệt thổ cẩm. Các sản phẩm của họ không chỉ thể hiện sự tài hoa, khéo léo của đôi bài tay người phụ nữ mà còn là sự nỗ lực bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Khi cả buôn làng còn đang chìm trong giấc ngủ, bà H’Uếc Kpơr (buôn Cư K'êmông, xã Dang Kang) đã thức dậy và ngồi dệt vải. Bà H’Uếc nhớ lại, khi còn rất nhỏ, nhìn thấy Amí hằng ngày ngồi bên khung cửi dệt vải, thêu thùa, bà coi hình ảnh đó của Amí là chuẩn mực của sự chăm chỉ, khéo léo và mong tương lai mình cũng được như vậy. Thế nên, hằng ngày bên cạnh việc phụ giúp Ama, Amí làm việc nhà, bà đã gom lại các sợi chỉ, len dệt thừa của Amí và các cô, dì trong buôn để những lúc rảnh rỗi là mày mò tìm hiểu về thổ cẩm. Lớn thêm tí nữa, bà được Amí cho ngồi bên cạnh, dạy các bước cơ bản từ gỡ chỉ trong cuộn thành từng sợi chỉ, bày chỉ, sắp xếp khung cửi, thêu họa tiết… rồi bắt đầu dệt.

Bà H’Uếc Kpơr bên khung dệt thổ cẩm.
Bà H’Uếc Kpơr bên khung dệt thổ cẩm.

Ban đầu bà chỉ dệt được các vật dụng đơn giản như áo gối, túi, thắt lưng; đến năm 16 – 17 tuổi bà đã dệt được các sản phẩm khó hơn như khăn trải bàn, chăn, váy áo… có thêu các hoa văn cần độ tỉ mỉ cao. Các loại váy áo của bà và mọi người trong gia đình đều được bà tự tay dệt, thêu tên riêng vào từng bộ rất cầu kỳ và đẹp mắt. Nhờ vậy mà bà nổi tiếng dệt thổ cẩm đẹp nhất vùng, được chị em trong và ngoài xã tìm đến học tập, đặt dệt. Tiếng lành đồn xa, thổ cẩm của bà H’Uếc không những được bà con trong buôn biết đến mà còn được rất nhiều du khách nước ngoài đến tìm mua. Bà cho hay, để hạn chế việc thổ cẩm bị sai, hỏng đường chỉ bà chỉ dệt vào những ngày trời nắng, khô ráo còn những ngày trời mưa, độ ẩm cao các sợi len thường dính lại vào nhau, khó gỡ, tốn rất nhiều thời gian và dễ bị sai sót nên bà sẽ không dệt.

Cũng như bà H’Uếc, bà H’Dleh Byă (buôn Dang Kang) được rất nhiều người trong, ngoài xã biết đến nhờ tài dệt thổ cẩm. Hằng ngày, tuy bận rộn với công việc nương rẫy nhưng hễ có thời gian rảnh hay có người đặt mua là bà Dleh lại ngồi vào khung cửi say sưa dệt vải. Các sản phẩm của bà không chỉ dệt các hoa văn truyền thống mà bà còn sáng tạo thêm các loại họa tiết mô phỏng nhiều loài động, thực vật để dệt cho tấm thổ cẩm thêm phong phú và đa dạng hơn. Bà H’Dleh chia sẻ, dệt thổ cẩm đòi hỏi sự tỉ mỉ, công phu chính vì vậy mà chỉ có những ai thật sự có đam mê thì mới có thể gắn bó lâu dài.

Bà H’Dleh Byă đang chỉ cách thêu hoa văn trên tấm thổ cẩm vừa dệt xong.
Bà H’Dleh Byă đang chỉ cách thêu hoa văn trên tấm thổ cẩm vừa dệt xong.

Theo tìm hiểu, hiện nay tại địa phương số người biết dệt thổ cẩm như bà H’Uếc, bà H’Dleh Byă chỉ đếm trên đầu ngón tay, nhưng hầu hết đều đã già yếu. Còn lớp trẻ lại không mấy mặn mà với nghề dệt, phần lớn được chỉ biết sơ qua vài công đoạn chứ không thể dệt thành thạo. Trong khi đó, ngày nay đời sống của bà con trong buôn làng đã có nhiều thay đổi; những bộ quần áo may sẵn mẫu mã đẹp, màu sắc bắt mắt rất được ưa chuộng và dần thay thế những sản phẩm thổ cẩm truyền thống.

Mặc dù vậy, hiện nay các váy áo, túi, khăn… được dệt từ thổ cẩm vẫn được người dân tại đây sử dụng trong các dịp lễ hội, cưới hỏi. Mỗi sản phẩm thổ cẩm không chỉ thể hiện sự tài hoa, khéo léo của đôi bài tay người phụ nữ Êđê, mà còn là sự nỗ lực bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Do đó, rất cần sự động viên, khuyến khích cũng như tìm giải pháp để các nghệ nhân đóng góp nhiều hơn cho việc bảo tồn và phục hồi nghề dệt thổ cẩm ở địa phương.

Thùy Dung


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.