Nặng lòng với cây đàn tính và điệu hát then
Bà Sầm Thị Tích (1963) sinh ra và lớn lên ở huyện Thông Nông (tỉnh Cao Bằng). Từ nhỏ, bà đã được bố, mẹ dạy hát then, được anh trai (từng là văn công trong thời kháng chiến) chỉ cho bà cách đánh đàn tính, guitar…
Cuộc sống khó khăn, năm 1991 bà phải theo gia đình vào thôn Cao Bằng (xã Đắk Phơi, huyện Lắk) lập nghiệp. Xa quê, xa rời cây đàn tính, điệu hát then quen thuộc khiến những nét văn hóa truyền thống của dân tộc trên vùng đất mới ngày càng mai một; đó là điều làm bà Tích luôn luôn trăn trở.
Bà Tích kể, bà thường xem các chương trình hát then trên tivi, và cũng vì yêu hát then nên bà luôn tập trung quan sát để tìm hiểu cách chế tác đàn tính. Có thời gian rảnh là bà đi tìm quả bầu già ở những buôn lân cận, chọn những quả bầu tròn nhất đưa về cạo sạch, phơi khô; tìm những cây thừng mực tại các vườn tiêu già được người dân phá bỏ… để lấy được những khúc gỗ thẳng nhất, đẹp nhất đem về. Hằng ngày vào mỗi buổi trưa, bà lại ngồi tỉ mẩn đục, đẽo, mài dũa từng khúc gỗ làm cần đàn, khoét lỗ ở đáy và thân bầu để làm thân đàn. Sau đó, lên dây đàn, khóa đàn, chỉnh âm sao cho chuẩn nhất. Bà cho biết, việc chế tác đàn tính nhìn đơn giản nhưng đòi hỏi người làm ra nó phải tỉ mỉ, khéo léo trong tất cả các khâu từ chọn gỗ, bầu, dây cước… Bởi vì, chỉ cần cắt miếng gỗ quá tay hoặc mài cong cần đàn là đàn sẽ bị hỏng, phải làm lại từ đầu. Nhưng khéo tay thôi thì chưa đủ, theo bà người chế tác được đàn phải có đôi tai thẩm âm tốt thì mới có thể căn chỉnh được các âm đàn.
Bà Sầm Thị Tích bên cây đàn tính. |
Từ khi bà Tích chế tác được đàn tính, người dân trong thôn không cần phải hát chay không có đàn, hay mở nhạc trên điện thoại để hát nữa mà dùng những cây đàn của bà Tích để đàn. Đặc biệt, vào những khoảng thời gian nông nhàn một số người dân trong thôn tập trung lại nhà bà để đàn, hát cho nhau nghe như một buổi giao lưu văn nghệ và thu hút rất đông bà con đến xem.
Đến nay, có nhiều người dân trong thôn tìm đến bà để học đàn, nhờ bà chế tác thêm đàn để đưa về học thêm và dạy đàn cho con cháu trong nhà. Riêng bà đã chỉ dạy cho cô con gái là chị Sầm Thị Hợi (sinh năm 1996) thành thạo đàn tính, hát then truyền thống. Trong thời gian tới, bà Tích và người dân trong thôn mong muốn thành lập một câu lạc bộ đàn tính, hát then để vừa thỏa mãn đam mê ca hát vừa gìn giữ, truyền lại cho thế hệ sau những giá trị văn hóa truyền thống của người Tày.
Thùy Dung
Ý kiến bạn đọc