Multimedia Đọc Báo in

Niềm vui mới của người dân Đắk Phơi

06:38, 14/01/2018

Đầu năm 2018, công trình cầu Du Mah, xã Đắk Phơi (huyện Lắk) hoàn thành, đưa vào sử dụng đáp ứng lòng mong mỏi mấy chục năm nay của bà con nơi đây đã trở thành hiện thực.

Xã Đắk Phơi nằm dưới chân dãy núi Chư Yang Sin, có suối Đắk Phơi chảy quanh. Chính đặc điểm tự nhiên này đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân địa phương trong sản xuất nông nghiệp, với các loại cây trồng chủ lực như cà phê, ca cao, tiêu và một số loại cây ngắn ngày khác. Tuy nhiên, trong mấy chục năm qua, do không có cầu, để sang vùng đất canh tác bên kia suối, người dân địa phương phải liều mình lội bộ qua suối Đắk Phơi. Vào mùa mưa, có khi nước dâng cao đến nửa người, nhưng đây là con đường duy nhất từ nhà đến rẫy, đến trường nên cả người lớn và trẻ con đều phải băng suối đến rẫy, đến trường. Thực tế, đã có những vụ tai nạn thương tâm xảy ra, gây chết người, còn tài sản của người dân thì đổ xuống suối thường xuyên. Bà Trần Thị Phước (buôn Du Mah) nhà ở gần suối Đắk Phơi cho hay, gia đình bà chuyển từ xã Đắk Liêng vào Đắk Phơi từ năm 2002 đến nay, nhà chỉ có 1 ha đất trồng cà phê, nhưng mỗi năm mất không biết bao nhiêu tiền vận chuyển phân bón từ trung tâm xã sang rẫy và vận chuyển cà phê từ rẫy đến các thương lái. Do đó, năm nào mất mùa, trừ chi phí vận chuyển và đầu tư sản xuất, nhà bà cũng như nhiều hộ khác chỉ lấy công làm lãi. Chưa kể, do nhà ở bên kia suối, trong khi các điểm trường học lại nằm ở phía trung tâm xã, việc đi học của các con bà cũng rất cơ cực, vào mùa mưa cả hai vợ chồng phải thay nhau cõng con qua suối, gặp những hôm nước lớn phải gửi các con ở phía bên kia suối.

Công trình cầu Du Mah bắc qua suối Đắk Phơi.
Công trình cầu Du Mah bắc qua suối Đắk Phơi.

Trước thực trạng đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã có Quyết định số 587/QĐ-KHĐT, ngày 16-10-2009 về việc phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình cầu buôn Du Mah và được UBND tỉnh điều chỉnh quy mô tại Quyết định số 1313/QĐ-UBND, ngày 12-5-2016, giao UBND huyện Lắk làm chủ đầu tư, với các hạng mục chính: cầu bê tông cốt thép vĩnh cửu, đường hai đầu cầu và hệ thống an toàn giao thông. Tháng 7-2017, công trình này được khởi công xây dựng, sau gần nửa năm triển khai đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, đáp ứng nhu cầu đi lại, sản xuất của người dân địa phương. Đặc biệt, công trình góp phần kết nối khu dân cư với khu sản xuất của hai buôn Du Mah và Liêng Keh với hơn 200 ha lúa nước và cà phê, trong đó có gần 170 hộ, khoảng 700 nhân khẩu được hưởng lợi trực tiếp.

Đặt chân trên cây cầu mơ ước hôm nay, ông Y Tuyết Liêng, Trưởng buôn Du Mah không giấu được niềm vui: “Có cầu việc đi lại của bà con thuận tiện hơn nhiều, trước đây phải dăng dây lần từng bước qua suối, giờ các phương tiện chỉ mất chưa đầy một phút đã qua khỏi cầu, việc vận chuyển nông sản từ rẫy về nhà đỡ tốn chi phí hơn trước nhiều. Đặc biệt, Tết Mậu Tuất này, bà con sẽ không còn cảnh lội suối đi chúc tết người thân”.

Buôn Liêng Keh – một trong những buôn được hưởng lợi trực tiếp khi công trình cầu Du Mah hoàn thành.
Buôn Liêng Keh – một trong những buôn được hưởng lợi trực tiếp khi công trình cầu Du Mah hoàn thành.

Được biết, buôn Du Mah có hơn 87 hộ, trên 360 nhân khẩu, trong đó người M’nông chiếm gần 96% tổng số dân. Hầu hết nhà dân chủ yếu tập trung bên này cầu, nhưng một phần đất canh tác sản xuất lại ở phía bên kia suối Đắk Phơi. Do đó khi công trình hoàn thành, việc đi lại, sản xuất của bà con thuận lợi hơn nhiều nên ai nấy đều phấn khởi. Cùng chung niềm vui đó, bà Đặng Thị Kim Khánh, chủ quầy tạp hóa bên chân cầu Du Mah cho hay, khi chưa có cầu, muốn vận chuyển hàng hóa cho bà con bên kia suối, mỗi ngày chồng bà phải bì bõm lội suối mấy lần, giờ cầu xây xong, khoảng cách rút ngắn lại, hầu hết người dân tự đến chọn mua thực phẩm, hàng hóa tại quầy chứ chồng bà không phải vận chuyển như trước nữa. Vui nhất là từ nay, quầy hàng nhà bà lúc nào cũng tấp nập người mua hàng nhiều hơn trước.

Với một xã vùng III như Đắk Phơi – nơi có hơn 59% dân số thuộc diện hộ nghèo, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, công trình cầu Du Mah hoàn thành đã tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nơi đây, đặc biệt cây cầu cũng sẽ góp phần giúp bà con vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống, từng bước thay đổi diện mạo nông thôn vùng căn cứ cách mạng Đắk Phơi.

Công trình cầu Du Mah có tổng mức đầu tư trên 10 tỷ đồng, từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi của tỉnh, do liên danh Công ty TNHH Trung Tuấn và Công ty TNHH Hoài Ân thi công. Công trình gồm cầu 2 nhịp, rộng 5 mét, tải trọng thiết kế HL-93; đường hai đầu cầu là đường giao thông nông thôn loại B, nền rộng 5 mét, mặt đường láng nhựa.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.