Multimedia Đọc Báo in

Tiếp sức cho người bệnh nghèo

09:33, 25/01/2018

Chương trình phẫu thuật mắt từ thiện đã mang lại nguồn ánh sáng diệu kỳ cho người mù nghèo, giúp họ được trở về nhịp sống đời thường, được thấy lại sắc màu cuộc sống…

Ước vọng ánh sáng

Năm 2000, di chứng sau trận sốt xuất huyết nặng khiến đôi mắt của anh Nguyễn Văn Lợi, 44 tuổi, ở thôn 8, xã Krông Búk, huyện Krông Pắc bị tổn thương, để lại sẹo giác mạc nên không nhìn rõ. Cuộc sống của người thanh niên trụ cột trong gia đình từ đó hoàn toàn bị xáo trộn khi mọi sinh hoạt đều phải trông cậy vào người thân. Nhiều lần anh đã cố gắng gom góp vay mượn tiền của đi chạy chữa nhưng tất cả đều như muối bỏ bể, bởi chi phí ghép giác mạc quá cao so với khả năng kinh tế của gia đình.

Suốt 17 năm sống trong ánh sáng lờ mờ, mới đây, khi được địa phương thông báo có đoàn bác sĩ của khoa Mắt, Bệnh viện Đa khoa tỉnh khám mắt từ thiện, niềm hy vọng về một đôi mắt khỏe mạnh lại nhen lên trong lòng người đàn ông ấy. Và rồi điều kỳ diệu đã xảy ra khi vị bác sĩ người Mỹ thăm khám và quyết định lựa chọn anh là một trong các trường hợp được ghép giác mạc miễn phí trong dịp này. Anh Lợi rất vui vì từ khi bị bệnh, anh luôn mong ước mắt mình được khỏe mạnh trở lại để tự lo cho bản thân và lao động cho gia đình.

Bác sĩ Thomas Harvey khám sàng lọc lựa chọn bệnh nhân phẫu thuật  ghép giác mạc.
Bác sĩ Thomas Harvey khám sàng lọc lựa chọn bệnh nhân phẫu thuật ghép giác mạc.

Còn chị Lê Thị Trúc Oanh, 31 tuổi, ở thôn 7, xã Ea H’leo, huyện Ea H’leo trước đây bị đau mắt, tự đi mua thuốc về nhỏ nên bị dị ứng và hậu quả cả 2 mắt đều bị mờ do sẹo giác mạc. Sống với đôi mắt bệnh tật, chị Oanh không làm được việc gì, suốt ngày chỉ quẩn quanh trong nhà, tất cả mọi việc làm lụng kiếm sống, trang trải chi tiêu, nuôi nấng con cái đều một tay người chồng gánh vác. Cuộc sống gia đình vốn túng thiếu lại càng túng quẫn hơn, chuyện chạy chữa cho đôi mắt càng trở nên xa vời. Nghe được thông tin về Chương trình khám và phẫu thuật mắt từ thiện cho người nghèo, chị Oanh đã tìm đến để mong có được phép màu. Chị tâm sự: Lúc bác sĩ khám nói rằng đôi mắt tôi sắp bị mù vĩnh viễn nếu không được ghép giác mạc kịp thời, tôi chỉ biết khóc. Đến  lúc bác sĩ nói cho tôi một cơ hội, tôi thấy mình như “chết đuối vớ được cọc”. Tôi chỉ mong các bác sĩ có phương pháp cứu chữa đôi mắt của tôi, dù chỉ được một con mắt khỏe mạnh thôi cũng toại nguyện lắm rồi. Thật cảm ơn các y bác sĩ, các nhà hảo tâm đã trao cho người nghèo chúng tôi cơ hội sáng mắt”.

Sẻ chia yêu thương

Chương trình Phẫu thuật ghép giác mạc và đục thủy tinh thể do Bệnh viện Đa khoa tỉnh thực hiện dưới sự tài trợ về tài chính và kỹ thuật của tổ chức Amerinam Healing (Mỹ) diễn ra ngay trong những ngày đầu năm mới 2018 đã mở ra cánh cửa hy vọng cho hàng trăm bệnh nhân nghèo trên địa bàn tỉnh.

Qua khám sàng lọc trên 300 bệnh nhân nghèo có bệnh về mắt tại các địa phương trong tỉnh và một số tỉnh lân cận, Chương trình đã tiến hành ghép giác mạc cho 3 bệnh nhân và thay thủy tinh thể cho trên 100 bệnh nhân. Nguồn giác mạc, thủy tinh thể và toàn bộ kinh phí phẫu thuật đều do Tổ chức Amerinam Healing tài trợ với số tiền hơn 60.000 USD (tương đương gần 1,4 tỷ đồng). Bác sĩ CKII Ngô Văn Cường, Trưởng khoa Mắt, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: “Với sự tài trợ của tổ chức Amerinam Healing, lần đầu tiên phẫu thuật ghép giác mạc - một kỹ thuật y khoa phức tạp, đòi hỏi đội ngũ bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, trang thiết bị y tế hiện đại và nguồn kinh phí điều trị lớn được triển khai ngay tại địa phương. Để người bệnh tiếp cận được với chương trình, trước đó chúng tôi đã tổ chức các đợt khám miễn phí tại các huyện, thị xã trong tỉnh để sàng lọc người bệnh. Đồng thời, ngoài chi phí do tổ chức Amerinan Healing hỗ trợ, chúng tôi cũng trực tiếp đóng góp và vận động mạnh thường quân ủng hộ người bệnh chi phí ngày giường điều trị và thực hiện dịch vụ cận lâm sàng trong quá trình điều trị tại bệnh viện”.

Có lẽ, Chương trình ghép giác mạc miễn phí đầu tiên được thực hiện tại địa phương chỉ đáp ứng được phần nhỏ so với nhu cầu thực tế. Song, vẫn còn nhiều cơ hội đang mở ra phía trước, bởi như lời bác sĩ Thomas Harvey của Tổ chức Amerinam Healing, người trực tiếp thực hiện ghép giác mạc cho người bệnh thì trong thời gian tới, Tổ chức Amerinam Healing sẽ tiếp tục hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện được chăm sóc sức khỏe cũng như tiếp cận với các dịch vụ y tế hiện đại ở Đắk Lắk nâng cao chất lượng cuộc sống thông qua các chương trình chăm sóc sức khỏe miễn phí. 

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc