Multimedia Đọc Báo in

Tình quân dân giữa ngàn xanh

11:38, 12/01/2018

Giữa vùng biên bạt ngàn nắng gió, khí hậu khắc nghiệt, cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế quốc phòng 737 đã luôn sát cánh, cùng nhân dân vượt qua mọi khó khăn để giúp họ thêm ổn định cuộc sống.

Đoàn Kinh tế quốc phòng 737 được thành lập năm 2015 trên cơ sở sáp nhập 2 Trung đoàn 736 và 737 (Binh đoàn 16) với nhiệm vụ trung tâm là huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, sản xuất, phát triển kinh tế và làm công tác dân vận. Đứng trước yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao, trong khi tình hình thời tiết vùng biên khắc nghiệt, thiên tai liên tục xảy ra, cán bộ, chiến sĩ đơn vị càng quyết tâm vượt mọi gian khổ, để lại trong lòng bà con nhiều tình cảm thân thương, quý trọng.

Năm 2003, gia đình anh Lang Văn Panh (thuộc diện gia đình chính sách) rời quê hương Thanh Hóa vào xã Ia Lốp, huyện Ea Súp lập nghiệp. Như nhiều hộ dân khác đến vùng kinh tế mới, vợ chồng anh gặp không ít khó khăn, dù rất cần mẫn lao động, sản xuất. Cảm thông với hoàn cảnh ấy, Đoàn Kinh tế quốc phòng 737 đã tặng gia đình anh một con bò giống. Có được sinh kế, vợ chồng anh chịu khó chăm sóc, nuôi dưỡng, giờ đã phát triển thành đàn bò 3 con. Cùng với tặng con giống, đơn vị còn thường xuyên thăm hỏi, động viên gia đình mỗi dịp lễ, Tết khiến anh Panh rất cảm động.

Cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế quốc phòng 737 thăm hỏi, động viên gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã Ia R’vê.
Cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế quốc phòng 737 thăm hỏi, động viên gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã Ia R’vê.

Không chỉ gia đình anh Panh, Đoàn Kinh tế quốc phòng luôn quan tâm đến các gia đình có hoàn cảnh khó khăn và sẵn sàng hỗ trợ cả vật chất lẫn tinh thần. Đến nay, đơn vị đã khảo sát, tặng bò giống cho 6 gia đình trên địa bàn các xã Ia Lốp và Ia R’vê (huyện Ea Súp). Giữa bộn bề khó khăn, sự hỗ trợ kịp thời của người lính Cụ Hồ là động lực giúp các gia đình yên tâm phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. 

Cùng dân bám trụ ở mảnh đất khô cằn sỏi đá, cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế quốc phòng 737 đã kề vai sát cánh cùng chính quyền địa phương, đóng góp công sức, mồ hôi để đưa vùng biên Ea Súp ngày càng phát triển. Tính từ năm 2015 đến nay, qua chương trình “Chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Xóa hộ đói, giảm hộ nghèo”, đơn vị đã xây dựng được 37 căn nhà Tình nghĩa tặng các hộ dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn các xã biên giới; giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, xây dựng đường giao thông liên xã… với trên 700 ngày công. 

Đi đôi với việc giúp bà con an cư lạc nghiệp, đơn vị còn chú trọng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, đặc biệt là các đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Trong 3 năm qua, đơn vị đã khám bệnh, tư vấn sức khỏe, phát thuốc miễn phí cho 5.415 người bệnh; tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách phòng chống dịch bệnh, bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm…

Bác sĩ  Bệnh xá của đơn vị kiểm tra  sức khỏe người bệnh.
Bác sĩ Bệnh xá của đơn vị kiểm tra sức khỏe người bệnh.

Dù nhân lực có phần hạn chế, nhưng với trang thiết bị hiện đại, cách đón tiếp tận tình, chăm sóc chu đáo nên từ lâu Bệnh xá Quân dân y của đơn vị đã trở thành địa chỉ tin cậy, được người dân các xã vùng biên tin tưởng. Cô Bùi Thị Mến (thôn 6, xã Ia R’vê) chia sẻ, bản thân và người nhà đã nhiều lần được chăm sóc, điều trị tại Bệnh xá nên cô rất yên tâm. Không riêng gia đình cô mà người dân huyện Ea Súp, đặc biệt là các xã vùng biên đều rất quý sự nhiệt tình, trách nhiệm của đội ngũ y, bác sĩ ở đây. Nhờ các bác sĩ mà bà con chú trọng hơn việc chăm sóc sức khỏe.

Đại tá Ngô Minh Điền, Chính ủy Đoàn Kinh tế quốc phòng 737 chia sẻ, những năm qua, đơn vị luôn sẵn sàng phối hợp với chính quyền địa phương, lực lượng đứng chân trên địa bàn đẩy mạnh các hoạt động xây dựng nông thôn mới, tích cực tham gia xóa đói giảm nghèo, giúp bà con ổn định đời sống…

Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.