Về lại làng chài Đắk Hil
Những ai có dịp đi ngang qua cầu Đắk Hil, đoạn Km 83 Quốc lộ 27 thuộc xã Krông Nô (huyện Lắk), nhìn xuống bên dưới lòng hồ thủy điện Buôn Tua Srah sẽ dễ dàng nhìn thấy những ngôi “nhà nổi” nằm san sát nhau.
Người dân nơi đây quen gọi đó là làng chài dưới chân cầu Đắk Hil, nơi những người dân nghèo ở các tỉnh miền Tây Nam bộ lên đây kết bè quanh năm quăng chài bám lưới mưu sinh…
Khi vừa đặt chân đến đầu cầu Đắk Hil, một không khí mua bán nhộn nhịp của gần 20 sạp hàng bán cá khô khiến chúng tôi không khỏi bất ngờ. Chủ sạp đon đả mời chào, còn du khách thì thích thú chọn lựa. Dưới chân cầu, vẫn là những “nhà nổi” được kết bằng tre, gỗ phủ mái tôn nhưng nay đã đông đúc hơn, những chiếc bè san sát nhau, to rộng hơn so với trước.
Làng chài dưới chân cầu Đắk Hil. |
Chị Nguyễn Thị Thu Ba, sống ở làng chài từ năm 2012 tâm sự: “Dân chài chúng tôi gắn bó với nơi này từ khi thủy điện Buôn Tua Srah xây dựng xong. Con nước mênh mông với nhiều loại cá như cá lăng, cá bống, cá rô phi… đã nuôi sống những người con xa xứ như chúng tôi. Tiếng lành đồn xa, nên ngày càng nhiều người ở miền Tây lên đây kết bè sinh sống. Hiện làng chài đã có 36 hộ, hơn 120 nhân khẩu.”
Trên mặt sông lấp loáng ánh mặt trời, chiếc xuồng máy của anh Phạm Văn Đạt (quê ở An Giang) rẽ nước, đưa chúng tôi dạo quanh làng chài. Vẫn như xưa, một khung cảnh yên bình với những chiếc bè dập dềnh trên mặt nước, bên cạnh mỗi nhà là những lồng nuôi cá. Phía trước bè, những ngư dân ngồi xẻ cá, rôm rả chuyện trò…
Hàng cá khô của người dân làng chài. |
Chiếc thuyền chở chúng tôi cập bến “nhà nổi” của chị Tô Thị Hồng Trang (quê ở An Giang). Dẫn chúng tôi thăm khu vực nuôi cá lồng, chị Trang cho hay: Nhà chị có 2 lồng cá, 7 vó lưới. Khi thời tiết thuận lợi, mỗi vó cũng bắt được 10 kg các loại cá bống, cá lóc… Cá nhỏ thì làm thức ăn nuôi trong lồng cá, cá lớn bán cho các đầu mối chợ lân cận. Chị Trang không giấu được niềm vui: “Cuộc sống của người dân làng chài cầu Đắk Hil nay đã có những đổi thay đáng kể. Những đứa trẻ trong làng đều được chính quyền địa phương hỗ trợ làm giấy khai sinh để đi học kiếm chữ. Có đứa học ngay xã Krông Nô, nhưng cũng có cháu được bố mẹ gửi lên tận huyện để đi học. Mấy năm nay, việc nuôi trồng, đánh bắt cá tương đối thuận lợi, nhiều người còn xẻ cá, phơi khô rồi đem bán trên cầu, mỗi ngày cũng kiếm được khoảng 500.000 đồng”. Nghe chị Trang nói, anh Đạt cũng hồ hởi góp lời: “Trước đây không có điện chúng tôi chỉ sử dụng đèn pin để chiếu sáng. Nhưng 2 năm nay, nhà nào cũng sắm được tấm năng lượng mặt trời, cuộc sống cũng tiện nghi hơn vì có thêm tivi, nồi cơm điện…”.
“Trước mắt xã xin cấp trên bố trí một khu đất tập trung làm chỗ mua bán cá khô và cá tự nhiên đánh bắt được ở làng chài, vừa đảm bảo việc lưu thông trên cầu an toàn, người dân cũng có nguồn thu nhập ổn định hơn” –
Ông Y Thị Niê kiến nghị
|
Bên cạnh niềm vui có được cuộc sống đổi thay, qua câu chuyện với chúng tôi, người dân làng chài Đắk Hil cũng khắc khoải những nỗi niềm. Quanh năm xuôi ngược mái chèo, “an cư” vẫn là mơ ước đau đáu của những phận người tứ xứ nơi đây. “Chúng tôi chỉ mong có một mảnh đất để xây nhà, tránh bão, không phải sống trong những “nhà nổi” bấp bênh mỗi khi con nước vơi đầy. Như cơn bão số 12 vừa qua, vài nhà bè bị đứt dây trôi dạt vào bờ, may không có thiệt hại về người…” - chị Trang trải lòng.
Đem nỗi niềm của người dân làng chài Đắk Hil đến trao đổi với chính quyền địa phương, chúng tôi được ông Y Thị Niê, Chủ tịch xã Krông Nô cho biết: Cuối năm 2016, UBND huyện Lắk đã giao cho xã Krông Nô quản lý những người dân sống ở làng chài dưới cầu Đắk Hil. Theo đó, tất cả người dân làng chài đều đã được đăng ký tạm trú, được tham gia đầy đủ hoạt động y tế, giáo dục của địa phương. Một tổ an ninh tự quản ở làng chài cũng được thành lập để quản lý nhân, hộ khẩu và an ninh trật tự nơi đây. Còn về đất tái định cư cho người dân làng chài thì cần phải đợi chủ trương, quy hoạch của cấp có thẩm quyền…
Thùy Duyên
Ý kiến bạn đọc