Multimedia Đọc Báo in

Thanh tra chuyên ngành góp phần giảm nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp

09:28, 26/02/2018

Trong những năm qua, việc chậm đóng, nợ đọng Bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thường xuyên xảy ra. Theo thống kê, tính đến ngày 31-12-2017, số nợ BHXH, BHYT, BHTN là 57,291 tỷ đồng, chiếm 2,28% kế hoạch thu.  

Nhiều đơn vị nộp không đủ số lao động so với thực tế; một số doanh nghiệp thu tiền BHXH, BHYT, BHTN do người lao động nộp nhưng không nộp vào quỹ BHXH mà sử dụng vào việc khác; ý thức chấp hành quy định về thu, nộp BHXH, BHYT, BHTN chưa cao làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người lao động, gây khiếu kiện đông người, kéo dài… làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh - chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Bảo hiểm xã hội TP. Buôn Ma Thuột kiểm tra việc đóng BHXH, BHYT tại một doanh nghiệp trên địa bàn.
Bảo hiểm xã hội TP. Buôn Ma Thuột kiểm tra việc đóng BHXH, BHYT tại một doanh nghiệp trên địa bàn.

Luật BHXH 2014 và Nghị định 21/2016/NĐ-CP ngày 31-3-2016 của Chính phủ giao quyền thanh tra, kiểm tra, xử phạt cho ngành BHXH, cùng với Bộ luật Hình sự sửa đổi được Quốc hội thông qua có hiệu lực từ 1-1-2018 đã quy định việc xử lý hình sự đối với nhóm tội danh như tội gian lận, tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động… Đây được coi là những chế tài "đủ mạnh" để giải quyết tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN như hiện nay. Với trách nhiệm của mình, BHXH tỉnh Đắk Lắk căn cứ vào định hướng, chương trình thanh tra của Thanh tra tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, kế hoạch của BHXH Việt Nam giao hằng năm đều chủ động xây dựng kế hoạch thanh tra chuyên ngành về BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn tỉnh. Xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, ngành BHXH luôn quan tâm nâng cao chất lượng cán bộ thông qua việc đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, hướng dẫn các trình tự, thủ tục thanh tra để bảo đảm hoàn thành tốt các cuộc thanh tra theo đúng quy định của pháp luật. Mỗi cán bộ, công chức ngành BHXH làm công tác thanh tra luôn không ngừng học hỏi, rèn luyện đạo đức công vụ, giỏi về kỹ năng, nghiệp vụ, am hiểu chính sách chế độ nhằm có thể phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi sai phạm.

Có thể khẳng định, Chính phủ giao chức năng thanh tra chuyên ngành cho cơ quan BHXH là hoàn toàn đúng đắn, mang lại hiệu quả cao, góp phần giảm tỷ lệ nợ đọng về BHXH, BHYT, BHTN, đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động; có tác dụng răn đe, phòng ngừa hành vi vi phạm của các chủ sử dụng lao động. Tuy nhiên, đến nay tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN tại các doanh nghiệp vẫn còn diễn ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người lao động. Để hạn chế tình trạng này, ngoài việc tổ chức thực hiện tốt chức năng thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT, BHTN, ngành BHXH cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN tới người sử dụng lao động và người lao động để nâng cao nhận thức và ý thức tuân thủ pháp luật. Đồng thời, công khai các hành vi vi phạm pháp luật để tạo sự đồng thuận, ủng hộ của dư luận trong đấu tranh với các chủ thể vi phạm.

Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường phối hợp với cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc quản lý, đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT, BHTN; thường xuyên trao đổi, thống nhất, tạo sự đồng thuận với các cơ quan quản lý nhà nước liên quan trong việc xử lý vi phạm của các đơn vị sử dụng lao động. Đặc biệt, cần phối hợp chặt chẽ với công đoàn các cấp, ngành Tòa án, ngành Công an để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong thực hiện biện pháp khởi kiện đối với những đơn vị sử dụng lao động cố tình nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN.

Nguyễn Thị Xuân

(Phó Giám đốc BHXH tỉnh)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.