Multimedia Đọc Báo in

Ấm lòng bếp ăn tình thương ở Bệnh viện Đa khoa huyện Krông Pắc

08:08, 28/03/2018

Được duy trì đều đặn nhiều năm nay, bếp ăn tình thương tại Bệnh viện Đa khoa huyện Krông Pắc đã cung cấp nhiều suất cơm, cháo miễn phí, giúp cho các bệnh nhân nghèo bớt gánh nặng chi phí trong thời gian điều trị ở bệnh viện…

Đều đặn 5 giờ sáng, từ thứ tư đến thứ sáu hằng tuần, nồi cháo thịt băm, cà rốt, khoai tây lớn nóng hổi, tỏa mùi thơm nghi ngút được các nữ tu dòng Đa Minh tại Giáo xứ Thuận Hiếu (thị trấn Phước An) đưa đến bếp ăn tình thương của Bệnh viện, giúp các bệnh nhân nghèo có một bữa sáng ấm lòng. Chị N.T.M.T., có người nhà điều trị lâu ngày tại bệnh viện sáng nào cũng mang tô đến, lấy một phần đủ dùng cho người bệnh, cảm kích nói: “Cháo do các soeur nấu không những bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm mà còn đủ chất dinh dưỡng. Nhờ nồi cháo tình thương này, gia đình tôi đỡ được một phần không nhỏ chi phí”. Chị phân tích chi tiết rằng nếu mỗi buổi sáng mất 10.000 đồng để mua cháo, với thời gian điều trị đã hơn 1 tháng thì chị mất hơn 300.000 đồng, một khoản chi phí không nhỏ đối với gia đình. Song vượt lên trên giá trị vật chất, chị cũng như những người đến nhận bữa sáng nghĩa tình này luôn cảm nhận được tấm lòng, sự quan tâm san sẻ yêu thương của cộng đồng, của các soeur. Đó như là liều thuốc tinh thần, giúp họ có thêm nghị lực, vượt qua thời khắc khó khăn, yên tâm chữa bệnh.

Người nhà bệnh nhân đến nhận các suất ăn miễn phí tại bếp ăn tình thương  Bệnh viện Đa khoa huyện Krông Pắc.
Người nhà bệnh nhân đến nhận các suất ăn miễn phí tại bếp ăn tình thương Bệnh viện Đa khoa huyện Krông Pắc.

 

Mỗi suất cháo cũng như cơm chay do các soeur dòng Đa Minh, Phật tử chùa Phước Tịnh và nhóm thiện nguyện của chị Huỳnh Thị Mai tặng người nghèo trị giá khoảng 10.000 đồng. Trong năm 2017, bếp ăn tình thương tại Bệnh viện Đa khoa huyện Krông Pắc đã cấp phát 13.350 suất cơm và 31.340 suất cháo, tổng trị giá gần 450 triệu đồng.

Được biết, nồi cháo đong đầy tình người này được các nữ tu dòng Đa Minh duy trì đều đặn tại bếp ăn tình thương của bệnh viện đã 10 năm nay. Xuất phát từ tấm lòng thiện nguyện, cảm thông, mong muốn sẻ chia một phần khó khăn cùng người bệnh và gia đình họ, ròng rã 10 năm tròn, các nữ tu đã thầm lặng tận hiến, ủ ấp, lan tỏa tình thương giữa con người với con người qua hành động nhân ái, nồi cháo nghĩa tình. Các soeur cho biết, không nhớ được đã có bao nhiêu bệnh nhân trước khi rời bệnh viện tìm đến, bày tỏ lòng tri ân với các soeur, có người sau này kinh tế khấm khá, quay trở lại ủng hộ tiền của để các soeur có thêm kinh phí lo cho bữa sáng tươm tất hơn.  

Cũng ở bếp ăn tình thương Bệnh viện Đa khoa huyện Krông Pắc, vào các ngày ba mươi, mùng một, mười bốn và mười lăm âm lịch, những bệnh nhân nghèo còn được nhận những suất cơm chay miễn phí, chan chứa nghĩa tình do các Phật tử chùa Phước Tịnh và nhóm thiện nguyện của chị Huỳnh Thị Mai tổ chức. Với tấm lòng nhân hậu, những trăn trở, nặng lòng với những mảnh đời không may mắn xung quanh, đã thôi thúc các Phật tử tự nguyện đóng góp kinh phí cùng sự hỗ trợ của chùa Phước Tịnh cung cấp mỗi ngày 200 suất cơm trưa và nhiều phần cháo buổi chiều cho các bệnh nhân. Để có những suất cơm đến tay người bệnh, thân nhân người bệnh đúng bữa, các Phật tử đã chuẩn bị nguyên vật liệu từ hôm trước và phải thức dậy từ 4 giờ sáng để chế biến, mỗi người một tay, người nhặt rau, người nấu cơm, người đóng hộp… các công đoạn đều đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Các Phật tử chia sẻ, họ bỏ thời gian, công sức hai ngày thứ bảy và chủ nhật vào bếp, làm những suất ăn nghĩa tình cho người nghèo không ngoài hai chữ “từ thiện”. Cùng với nữ tu dòng Đa Minh, các Phật tử cũng muốn góp sức, chăm lo giúp đỡ, mang niềm vui đến cho người nghèo. Vả lại, hơn ai hết, các Phật tử cho rằng chính họ mới là người cảm nghiệm được niềm vui, hạnh phúc, tâm hồn thanh thản từ nghĩa cử biết cho đi của mình.

Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.