Bà đỡ mát tay của người Xê Đăng
Gần 20 năm gắn bó với nghề, tận tâm giúp cho những thai phụ vượt cạn thành công, chị Nin (nữ hộ sinh công tác tại Trạm Y tế xã Ea Yiêng, huyện Krông Pắc) đã trở thành chỗ dựa tin cậy cho phụ nữ Xê Đăng tại đây.
Sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại buôn Cư Drăng (xã Ea Yiêng) nên sau khi học xong THPT, chị Nin đành bỏ dở ước mơ trở thành một cô giáo. Tuy nhiên, có dịp chứng kiến không ít trường hợp trẻ sơ sinh trong buôn sau khi cắt rốn bằng cây lồ ô hay dao lam bị nhiễm trùng dẫn đến tử vong, chị đã quyết tâm theo học ngành hộ sinh tại trường Trung cấp Y tế Đắk Lắk với mong muốn góp phần giảm thiểu những tình trạng đau lòng này. Năm 1999, sau khi tốt nghiệp, chị được phân công về công tác tại Trạm Y tế xã Ea Yiêng. Thời gian đầu, chị gặp không ít khó khăn. Xã Ea Yiêng có hơn 1.220 hộ dân, trong đó người dân tộc Xê Đăng chiếm 95%, đời sống khó khăn, trình độ dân trí thấp nên kiến thức chăm sóc sức khỏe còn hạn chế, nhất là chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em. Người phụ nữ chỉ quen với công việc ruộng rẫy, ít giao tiếp nên khi mang thai không đến các cơ sở y tế để khám thai, đến kỳ sinh nở thường đẻ ở nhà và nhờ người thân, mụ vườn đỡ đẻ nên xảy ra nhiều rủi ro.
Chị Nin luôn tận tâm với công việc. |
Là người con của buôn làng, cùng dân tộc, am hiểu văn hóa, phong tục tập quán nên chị Nin hiểu hơn ai hết lối sống, nếp nghĩ của bà con, từ đó nghĩ cách tuyên truyền vận động, giúp đỡ bà con sao cho phù hợp, hiệu quả. Chị không quản ngại khó khăn, lặn lội đến từng thôn buôn, gõ cửa từng nhà để tuyên truyền, vận động các bà mẹ đến các trạm y tế, bệnh viện để sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản. Hễ nhà nào có phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ chị đều ghé thăm, nắm bắt tình hình sức khỏe để có sự tư vấn kịp thời. Bất kể ngày đêm, nếu có thai phụ cần giúp đỡ chị đều gác lại mọi việc để đến với họ. Với những thai phụ chỉ muốn sinh con tại nhà, chị hướng dẫn cho họ chuẩn bị những thứ cần thiết cho việc sinh nở và hướng dẫn mụ vườn đỡ đẻ đúng cách để tránh nhiễm trùng. Không ít lần, chị đã phải đỡ đẻ ngay tại nhà của thai phụ, thậm chí có lần còn đỡ thành công cả những ca đẻ ngược.
Để thay đổi tập quán, nếp nghĩ của người dân không phải là vấn đề đơn giản, không ít lần chị Nin phải đối mặt với những tình huống gay cấn. Chị nhớ mãi trường hợp chị Khuôn (buôn Cư Drăng), mặc dù đã được thăm khám thai sản định kì, được khuyến cáo có nguy cơ tai biến thai sản và chỉ định chuyển tuyến nhưng thai phụ vẫn không nghe theo. Đến khi chuyển dạ, sau khi vượt quãng đường 5 km từ nhà đến Trạm Y tế xã bằng xe công nông, thai phụ không còn đủ sức khỏe để tiếp tục di chuyển. Trước nguy cơ đứa trẻ có thể bị chết ngạt trong bụng mẹ, chị Nin buộc phải đỡ đẻ cho sản phụ ngay trên xe công nông trong ánh sáng của đèn pin và điện thoại. Chị Nin chân tình tâm sự: “Lúc ấy trời tối, lại không có điện khiến mình sợ run, nhưng nghĩ đến tính mạng của hai mẹ con sẽ gặp nguy hiểm nên chỉ còn biết tập trung cao độ hỗ trợ thai phụ sinh con. Cho đến lúc mẹ tròn con vuông, mình mới thở phào hạnh phúc”
Với những việc làm, hoạt động thiết thực của chị Nin trong công tác tư vấn, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em đã giúp chị em phụ nữ dân tộc thiểu số vượt qua những rào cản về phong tục tập quán, về tài chính để tiếp cận các dịch vụ khám thai, đỡ đẻ an toàn và chăm sóc sau sinh. Chị Nin đã trở thành người bạn thân thiết được nhiều chị em trong vùng tin tưởng tìm đến nhờ tư vấn, chăm sóc sức khỏe sinh sản. Đến nay, những phụ nữ có thai ở đây đã ý thức được việc lên trạm y tế để tiêm chủng, khám thai và sinh đẻ, không để xảy ra tình trạng trẻ bị nhiễm trùng uốn ván sau sinh.
Ngoài công việc của một nữ hộ sinh, chị Nin còn phụ trách chương trình phòng chống lao, sốt rét, sốt xuất huyết, góp phần làm giảm đáng kể các bệnh truyền nhiễm trên địa bàn. Năm 2016, chị Nin là một trong 30 thầy thuốc trẻ bám bản tiêu biểu có thành tích xuất sắc được tuyên dương tại Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam lần thứ 3, nhiệm kỳ 2015-2020 diễn ra tại Hà Nội.
Tuyết Mai
Ý kiến bạn đọc