Ngày hội Văn hóa - Thể thao đồng bào các dân tộc thiểu số TP. Buôn Ma Thuột lần thứ X (năm 2018): Tươi mới làn gió "trẻ"
Ngày hội Văn hóa – Thể thao đồng bào các dân tộc thiểu số TP. Buôn Ma Thuột lần thứ X (sau đây gọi tắt là ngày hội) đã khép lại, nhưng hình ảnh thế hệ trẻ tham gia và cố gắng tiếp bước, kế thừa truyền thống dân tộc mình đã để lại ấn tượng sâu sắc với những người tham dự.
Sôi nổi sức trẻ
Mặc dù là chương trình mang đậm nét truyền thống nhưng ngày hội đã thu hút sự quan tâm hưởng ứng của đông đảo các bạn trẻ, mang đến sự tươi mới, trẻ trung trong các hoạt động; đây cũng là một điểm mới so với những năm trước đây. Đến với ngày hội, bên cạnh sự sôi nổi trong các hoạt động văn hóa, thể thao, họ còn có nhu cầu tìm hiểu những câu chuyện lịch sử về văn hóa dân tộc mình và các dân tộc anh em khác. Do đó ngày hội càng trở nên có ý nghĩa và sức hút hơn.
Như ở phần thi thanh niên thanh lịch, các bạn trẻ rất háo hức tham gia để có cơ hội thực hiện được ý tưởng chọn trang phục và thể hiện bản thân. Sự trình diễn sinh động của các chàng trai, cô gái đã góp phần tôn lên nét duyên dáng, độc đáo của những bộ trang phục truyền thống. “Em thật hạnh phúc khi có cơ hội thể hiện bản sắc, tâm hồn dân tộc mình đến du khách và bạn bè. Điều này càng giúp em thêm trân trọng gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống”, em H’Yoan Adrơng (17 tuổi, ở buôn Ju, xã Ea Tu) chia sẻ.
Đội chiêng tre gồm các thành viên nhí của buôn M’Duk, phường Ea Tam. |
Trong phần trình diễn văn nghệ dân gian, nhiều bạn trẻ đã thể hiện niềm yêu thích nghệ thuật qua những làn điệu dân ca, hát Ay ray (dân tộc Êđê), theo tiếng đàn T’rưng vang vọng, mềm mại theo vũ điệu chim Grứ Phiơr, hay thể hiện sự e ấp thẹn thùng trong trích đoạn Hạn Khuống về đêm trăng của gái trai làng Thái (dân tộc Thái)... Các tiết mục mộc mạc, đơn sơ nhưng có sức hút rất mạnh mẽ.
Không được mạnh dạn như các anh các chị thanh niên, những em trai em gái ở lứa tuổi 12 -13 lần đầu tiên tham dự ngày hội, góp mặt vào những tiết mục diễn tấu cồng chiêng lại bẽn lẽn, nhẹ nhàng. Đôi tay nhỏ, cầm chiêng, cầm dùi còn lúng túng, nhưng đôi mắt lại ánh lên sự đam mê. Không chỉ tập trung cho phần thi của mình mà các em còn lắng nghe những điệu chiêng khác để học hỏi và chia sẻ.
Bên cạnh đó, các bạn trẻ còn phát huy tinh thần tập thể, sức dẻo dai của tuổi “bẻ gẫy sừng trâu” khi tham gia các môn thể thao một cách hào hứng, chuyên nghiệp ...
Tìm về cội nguồn
Các bạn trẻ nhiệt tình, hào hứng tham gia các hoạt động trong ngày hội không chỉ nhằm thỏa niềm đam mê, ý thích của bản thân, mà còn là sự tìm về với cội nguồn.
Em H’Yoan Adrơng, buôn Ju, xã Ea Tu trong phần thi thanh niên thanh lịch. |
"Năm nay, các buôn tham gia với tâm thế rất nhiệt tình, sôi nổi. Thể hiện rõ nhất là các đội chiêng trẻ đã được đầu tư luyện tập và biểu diễn một cách bài bản. Đây là cơ sở để tiến đến mục tiêu mà thành phố đã đề ra là đến năm 2020 mỗi buôn sẽ có một đội chiêng và ưu tiên phát triển đội chiêng trẻ".
Ông Vũ Văn Hưng – Phó Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng Ban tổ chức ngày hội
|
Như câu chuyện của em Y Drim Êban (dân tộc Êđê, ở buôn Cư Êbông, xã Cư Êbur), người tham gia nhiều tiết mục trong phần thi văn nghệ dân gian, đặc biệt hút hồn người nghe qua các làn điệu dân ca. Y Drim cho biết, hiện nhiều bạn trẻ không thích nghe nhạc dân ca của dân tộc mình một phần là vì họ không biết, không được nghe thường xuyên. Trong khi, mỗi một tác phẩm đều hay về lời ca, giai điệu và có ý nghĩa rất tốt đẹp về bản làng, quê hương. Không muốn truyền thống văn hóa của ông cha ngày càng bị mai một và mất đi, Y Drim đã cùng với thanh niên trong buôn quyết tâm học lại các bài hát này từ cha mẹ, những người già trong làng. Càng học, các bạn càng thấy hấp dẫn, như được trở về cội nguồn của dân tộc. Tham gia ngày hội là cách họ truyền tải đi thông điệp về cuộc sống, học hỏi và giao lưu.
Phần trình diễn các nghề truyền thống trong ngày hội năm nay đã xuất hiện thêm nhiều nhân tố trẻ, mang đến sự mới mẻ cho các sản phẩm. Như phần thi dệt thổ cẩm Êđê có 2 thí sinh nam cùng đua tài với các amí. Trong đó, em Y Dăm Hmok (buôn H’wiê, xã Ea Kao) chỉ mới 14 tuổi nhưng đã có hơn 3 năm học và dệt thổ cẩm. Tuy từng nét chỉ dệt của em chưa được sắc sảo như các chị các cô, nhưng những họa tiết đầy tính sáng tạo, thể hiện rõ nét ý thức bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống. Hoặc phần thi đan lát, phải kể đến Y Chen Knul (buôn H’wiê, xã Ea Kao) đã cùng với bố tham gia thi đan gùi với mong muốn bảo tồn nghề truyền thống của cha ông.
Có thể nói, sự tham gia của đông đảo bạn trẻ, thanh thiếu niên đã tạo một làn gió tươi mới, thể hiện sức hút hấp dẫn của ngày hội. Đây cũng là dịp để thế hệ trẻ có cơ hội được hòa vào mạch nguồn truyền thống của dân tộc, thể hiện tình yêu quê hương đất nước và lòng tự hào về nguồn cội của mình.
Mai Sao
Ý kiến bạn đọc