Multimedia Đọc Báo in

Người dân được ngân sách Nhà nước hỗ trợ đóng Bảo hiểm xã hội

07:15, 10/03/2018

Khác với các loại hình bảo hiểm thương mại, khi đăng ký tham gia Bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện, người dân được ngân sách Nhà nước hỗ trợ một phần để đóng BHXH.

Nội dung này được quy định tại Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29-12-2015 của Chính phủ, Thông tư hướng dẫn số 01/2016/TT-BLĐTBXH ngày 18-2-2016 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Theo đó, kể từ năm 2018, người dân đang đóng hoặc bắt đầu đăng ký tham gia BHXH tự nguyện được ngân sách Nhà nước hỗ trợ một phần để đóng phí.

Mức hỗ trợ cụ thể như sau: Người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn, cụ thể:

a) Bằng 30% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo;

b) Bằng 25% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ cận nghèo;

c) Bằng 10% đối với các đối tượng khác.

Thời gian hỗ trợ tối đa bằng 10 năm đóng BHXH.

Mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn năm 2017 là 700.000 đồng/người/tháng. Mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn năm 2018 chưa được công bố.

Nhân viên đại lý thu Bưu điện huyện Lắk tuyên truyền, tư vấn BHXH, BHYT cho người dân.  Ảnh:  N. Xuân
Nhân viên đại lý thu Bưu điện huyện Lắk tuyên truyền, tư vấn BHXH, BHYT cho người dân. Ảnh: N. Xuân

Hình thức hỗ trợ bằng cách hằng quý ngân sách Nhà nước căn cứ vào danh sách đóng BHXH tự nguyện của cơ quan BHXH để chuyển tiền đóng thay cho người dân, trên cơ sở mức hỗ trợ được hưởng, người dân sẽ được khấu trừ số tiền phải đóng cho cơ quan BHXH.

Tích cóp một phần khi còn trẻ nhưng được hưởng lương hưu, bảo hiểm y tế và các phúc lợi xã hội khác với thời gian không hạn chế (hưởng đến khi chết) khi về già là một chính sách ưu việt, nhân văn của Nhà nước ta nhằm xây dựng một xã hội tiến bộ, văn minh.

Giả sử một người thuộc hộ nghèo khi đăng ký tham gia BHXH tự nguyện với mức thu nhập tháng là 1 triệu đồng, hằng tháng đóng BHXH là 1.000.000 x 22% = 220.000 đồng, tổng số tiền đóng hằng năm là 2.640.000 đồng. Mức được ngân sách Nhà nước hỗ trợ là (tính theo mức chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn năm 2017) 700.000 x 30% x 22% x 12 tháng = 544.400 đồng, như vậy số tiền mà người tham gia phải đóng BHXH hằng năm là 2.095.600 đồng. Tương tự, các trường hợp được hỗ trợ theo mức 25%, 10% cũng được giảm số tiền tương ứng. Tuy nhiên, cũng nên hiểu rằng đăng ký đóng BHXH tự nguyện theo mức thu nhập tháng càng cao thì mức hưởng chế độ hưu trí sau này sẽ cao, bảo đảm được cuộc sống khi về già.

Bộ phận tiếp nhận hồ sơ của Bảo hiểm xã hội TP. Buôn Ma Thuột hướng dẫn, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh N. Xuân
Bộ phận tiếp nhận hồ sơ của Bảo hiểm xã hội TP. Buôn Ma Thuột hướng dẫn, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh N. Xuân

Chính sách BHXH tự nguyện cũng rất thông thoáng nhằm tạo điều kiện tối đa cho người tham gia được hưởng chế độ hưu trí, đó là chính sách đóng BHXH một lần cho những năm còn thiếu. Khi đóng BHXH đủ 10 năm trở lên mà hết tuổi lao động (nam đủ 60, nữ đủ 55 tuổi) thì được đóng BHXH một lần cho những năm còn thiếu để đủ 20 năm và được nhận lương hưu ngay, do đó nếu mới đăng ký tham gia BHXH lần đầu mà người lao động đã ở tuổi 50 đối với nam, 45 tuổi đối với nữ vẫn có cơ hội được hưởng lương hưu theo quy định này.

Mục tiêu của BHXH là an sinh xã hội, số tiền đóng BHXH của người dân và số tiền ngân sách Nhà nước hỗ trợ được dùng vào mục đích duy nhất là chi trả các chế độ BHXH cho chính người tham gia và thân nhân của họ. Để có lương hưu, ổn định cuộc sống khi không còn khả năng lao động, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, mọi người cần phải trích một phần thu nhập của mình để tham gia BHXH. Để đăng ký tham gia BHXH tự nguyện, người dân đến UBND các xã, phường, thị trấn; hệ thống bưu điện từ tỉnh đến xã hoặc đăng ký tham gia tại BHXH các huyện, thị xã, thành phố.

Trương Văn Bá

(Bảo hiểm Xã hội tỉnh)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.