Multimedia Đọc Báo in

Nhức nhối nạn tảo hôn ở Dang Kang

08:05, 28/03/2018

Tuy đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tảo hôn, tuy nhiên, vấn nạn này với bao hệ lụy vẫn đang là thực trạng nhức nhối đeo bám cuộc sống người dân ở xã vùng 3 Dang Kang (huyện Krông Bông).

Tìm đến nhà của cặp vợ chồng “trẻ con” H’Phing Niê và Y Rapha Byă ở buôn Cư Koêmông mới thấy cuộc sống vất vả của họ với bao khó khăn chồng chất. Cả hai đều không có nghề nghiệp, sống phụ thuộc vào cha mẹ. Giải thích về việc vì sao lập gia đình, cô vợ mới bước qua tuổi 15 H’Phing trả lời hồn nhiên: “Gia đình mình ít con, cha mẹ lớn tuổi nên không có người làm nương rẫy. Lấy chồng về để có người làm…”.

Tương tự, vợ chồng H’Siam Kpơr và Y Trưk Byă cũng cưới nhau khi H’Siam mới 16 tuổi. Hai vợ chồng sống chung với cha mẹ vợ trong căn nhà gỗ lụp xụp. Cả nhà có đến 7 miệng ăn nhưng thu nhập chỉ trông chờ vào 3 sào rẫy. Hằng ngày, Y Trưk phụ giúp cha mẹ khi có việc, còn H’Siam chỉ quanh quẩn ở nhà.

H'Siam mới 17 tuổi nhưng đã lấy chồng từ năm 2017.
H'Siam mới 17 tuổi nhưng đã lấy chồng từ năm 2017.

Buôn Cư Koêmông có điều kiện kinh tế khó khăn nhất xã. Cả buôn có 215 hộ, trong đó có đến 150 hộ nghèo, 45 hộ cận nghèo. “Cũng bởi cái nghèo đeo đẳng nên nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế. Cứ thích nhau và được cha mẹ đồng ý là về ở với nhau nên nạn tảo hôn ở đây vẫn cứ diễn ra thường xuyên” – ông Y Bhưn Byă, Trưởng buôn Cư Koêmông thở dài.

 
“Điều đáng lo ngại là khi bọn trẻ về sống với nhau, những đứa con của chúng lần lượt ra đời, trong khi đất sản xuất không có, khiến cuộc sống của họ lại tiếp tục rơi vào vòng luẩn quẩn đói nghèo...”. 
 
Ông Nguyễn Văn HiệpChủ tịch UBND xã Dang Kang

Lần theo những địa chỉ mà Trưởng buôn Y Bhưn Byă cung cấp, chúng tôi tiếp tục tìm đến những cặp vợ chồng lập gia đình trước tuổi pháp luật quy định ở Cư Koêmông. Tất cả đều chung một hoàn cảnh là nghèo khổ, không có đất sản xuất, không có nhà ở, phải sống chung với bố mẹ và các anh chị em.

Không riêng gì ở buôn Cư Koêmông, tình trạng tảo hôn xảy ra hầu như ở khắp các buôn người dân tộc thiểu số của Dang Kang. Ông Nguyễn Hữu Hùng, cán bộ tư pháp xã Dang Kang cho biết, mỗi năm xã có khoảng 10 - 15 trường hợp tảo hôn, phần lớn là tuổi từ 15 - 17. Riêng năm 2017, trong số 74 cặp vợ chồng đến đăng ký kết hôn tại bộ phận tư pháp xã thì có đến 8 cặp chưa đủ tuổi, chiếm 10,81%. “Đó là con số thống kê được, còn thực tế thì cao hơn nhiều, bởi phần lớn người dân dấu diếm, không đăng ký kết hôn. Hằng năm, các trường hợp đến đăng ký kết hôn đều đủ tuổi, nhưng thực ra họ đã là vợ chồng từ mấy năm trước. Cứ như vậy, tình trạng tảo hôn ở xã Dang Kang cứ triền miên từ năm này qua năm khác. Mặc dù chính quyền địa phương đã dùng nhiều biện pháp để tuyên truyền vận động thế nhưng vẫn không thể ngăn chặn được vấn nạn này” – ông Hùng trăn trở.

Nhiều phụ nữ ở Dang Kang tuy còn ít tuổi nhưng đã con bồng con bế.
Nhiều phụ nữ ở Dang Kang tuy còn ít tuổi nhưng đã con bồng con bế.

Theo ông Nguyễn Văn Hiệp, Chủ tịch UBND xã Dang Kang, nguyên nhân tình trạng nay là do phần lớn thanh thiếu niên người dân tộc thiểu số đều không được học hành đến nơi đến chốn, thiếu hiểu biết về Luật Hôn nhân và gia đình nên cứ thích nhau là về sống với nhau. Đến khi con lớn, đủ tuổi mới đưa ra xã đăng ký kết hôn và làm giấy khai sinh cho con luôn thể. Chính vì vậy, chính quyền xã gặp rất nhiều khó khăn trong việc quản lý, ngăn chặn.

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.