Multimedia Đọc Báo in

Nỗi lo đường điện thiếu an toàn

08:30, 23/03/2018

Nhiều năm qua, hàng trăm hộ dân ở xã Dang Kang (huyện Krông Bông) vẫn phải sử dụng đường điện xương cá tự kéo xuống cấp nghiêm trọng, không bảo đảm an toàn.

Nếu được chứng kiến tận mắt đường dây điện của một số hộ dân ở buôn Cư Koêmông, xã Dang Kang chắc chắn nhiều người sẽ không khỏi rùng mình lo sợ. Nhiều đoạn dây điện đã nứt nẻ lộ cả lõi; còn trụ điện là những cây gỗ, cây nứa đã mục nát, xiêu vẹo mà chỉ cần đụng nhẹ là có thể đổ sập bất cứ lúc nào. “Ai cũng biết sử dụng đường dây điện như thế này là rất nguy hiểm, nhưng không kéo tạm để dùng thì biết lấy điện đâu mà phục vụ sinh hoạt. Gia đình tôi cũng muốn tự bỏ kinh phí đầu tư trụ điện cho an toàn nhưng do điều kiện kinh tế khó khăn, lo kiếm miếng ăn còn chưa đủ chứ nói gì đến những thứ khác.” - chị H’Van Kpơr, một người dân trong buôn phàn nàn.

Trưởng buôn Cư Koêmông Y’Bhưn Byă cho hay, hiện trong buôn còn gần 20 hộ đang phải sử dụng đường điện thiếu an toàn. Trong các cuộc họp hay làm việc tại xã chúng tôi đều nêu nguyện vọng được đầu tư đường dân điện cho người dân nhưng vẫn chưa được giải quyết.

Đường dây và đồng hồ điện do ông Đỗ Văn Thọ tự mắc tạm bợ, thiếu an toàn.
Đường dây và đồng hồ điện do ông Đỗ Văn Thọ tự mắc tạm bợ, thiếu an toàn.

Cùng chung nỗi lo khi sử dụng đường điện tạm bợ, ông Đỗ Văn Thọ ở thôn 2, xã Dang Kang bức xúc: “Nhiều năm qua người dân chúng tôi cảm thấy bất an vì đường điện đã xuống cấp. Trong các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân trong thôn đều nêu kiến nghị đầu tư đường điện cho dân sử dụng được an toàn nhưng đã gần 10 năm trôi qua mà chưa thấy động tĩnh gì cả…”. Tương tự, chị Bùi Thị Kim ở thôn 2 phản ánh: “Gia đình tôi chuyển đến đây được 4 năm thì cũng chừng ấy năm dùng điện tạm. Giá thì cao do thất thoát lớn, trong khi đó điện thì yếu đến nỗi không dùng để tưới cà phê được. Đến mùa tưới nhà tôi phải dùng máy nổ nên tốn kém hơn rất nhiều”.

Đường dây điện nghiêng ngã ở buôn Cư Koêmông.
Đường dây điện nghiêng ngã ở buôn Cư Koêmông.

Theo thống kê, hiện tại trên địa bàn xã Dang Kang còn 223 hộ sử dụng điện chưa an toàn (chủ yếu là các đường nhánh nhân dân tự kéo), chiếm tỷ lệ 15,9%. Các thôn tập trung nhiều đường dây điện tạm bợ nhất là thôn 3 (30 hộ), thôn 2 (20 hộ)… Đem nỗi lo của người dân đến trình bày với chính quyền địa phương, chúng tôi được ông Nguyễn Văn Hiệp, Chủ tịch UBND xã trả lời: Việc kéo điện phụ thuộc vào ngành điện và nguồn đầu tư của Nhà nước. Xã chỉ có thể tiếp nhận ý kiến phản ánh của người dân và trình bày lên các cấp có thẩm quyền. Ngoài ra, xã cũng đã tăng cường chỉ đạo cán bộ các thôn, buôn có sử dụng đường dây điện tạm tuyên truyền, hướng dẫn người dân thay dây mới thường xuyên và dựng cột điện kiên cố để bảo đảm an toàn.

Rõ ràng, việc dùng đường điện “xương cá” do người dân tự lắp đặt không những gây mất an toàn mà còn làm thất thoát điện năng, ảnh hưởng đến tình hình lao động sản xuất của người dân. Thiết nghĩ để bảo đảm an toàn lưới điện và để người dân có thể sử dụng được các thiết bị điện sinh hoạt thì rất cần sự quan tâm đầu tư của các cấp, các ngành chức năng.

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.