Multimedia Đọc Báo in

Nữ cán bộ khuyến nông tận tình với nông dân

06:57, 24/03/2018

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, quanh năm “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” mà cái khó, cái nghèo cứ đeo bám mãi nên chị Huỳnh Thị Thu Phượng (Phó trưởng Phòng Cây trồng, Trung tâm Khuyến nông tỉnh) thấm thía được nỗi vất vả của nghề nông. Với mong ước có thể gây dựng cơ nghiệp và giúp đỡ nông dân làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình, chị đã theo học ngành Nông nghiệp tại Trường Đại học Tây Nguyên.

Sau khi ra trường (năm 2007) chị bắt đầu công tác tại Trung tâm Khuyến nông tỉnh với vai trò là một cán bộ kỹ thuật của Phòng Cây trồng. Ngoài nghiên cứu, tìm hiểu các giống cây, con mới, chị cũng đảm nhiệm việc đứng lớp, truyền đạt kiến thức, thực hành trên đồng ruộng cho nông dân. Do đó, chị phải không ngừng nâng cao kiến thức, trau dồi kinh nghiệm thực tiễn để có thể giải đáp các thắc mắc liên quan cho bà con. Tuy nhiên, thực tế công việc lại không như những suy nghĩ ban đầu bởi thực tiễn trên đồng ruộng khác kiến thức lý thuyết rất nhiều. Chị nhớ lại, năm 2008 chị được đơn vị tín nhiệm và giao đứng lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất nông nghiệp cho cán bộ tỉnh Đoàn với nội dung trồng và chăm sóc cây cà phê. Ngay trong buổi đầu giảng dạy, một học viên ở xã Cư M’gar (huyện Cư M’gar) đã đặt câu hỏi tại sao vườn cà phê của gia đình anh cũng ép phân xanh đúng cách, nhưng cây trồng vẫn phát triển kém. Mặc dù đã được học kỹ về các kiến thức, kỹ thuật trên lý thuyết nhưng chị không thể trực tiếp giải đáp thắc mắc đó bởi kinh nghiệm thực tiễn sản xuất vẫn chưa nhiều. Sau 2 ngày nghiên cứu kỹ lưỡng và tham khảo ý kiến của những người đi trước, chị mới đủ tự tin để giải thích cho học viên rằng rễ cây cà phê phát triển dựa trên điều kiện khí hậu, đặc trưng về đất đai và trong trường hợp này thì rễ cây cà phê phát triển ở tầng đất từ 0-30 cm và việc đào rãnh của hộ gia đình nói trên quá sâu khiến cây không hút được chất dinh dưỡng, khi mưa xuống, các chất dinh dưỡng lại theo mưa xuống tầng đất thấp hơn nên hiệu quả việc ép phân xanh không đạt như mong muốn. Câu trả lời của chị đã thuyết phục hoàn toàn các học viên.

Chị Huỳnh Thị Thu Phượng (bìa trái) hướng dẫn nông dân xã Ea M'droh, huyện Cư M'gar ghép cải tạo  vườn cà phê.
Chị Huỳnh Thị Thu Phượng (bìa trái) hướng dẫn nông dân xã Ea M'droh, huyện Cư M'gar ghép cải tạo vườn cà phê.

Không chỉ kiến thức, việc giảng dạy cho nông dân cũng cần những kỹ năng sư phạm bởi học viên thuộc nhiều lứa tuổi, dân tộc, thành phần lao động và đối tượng sản xuất khác nhau. Do đó tâm thế, tư tưởng khi đến lớp khác nhau và luôn tồn tại những mâu thuẫn, định kiến trong mỗi lớp học. Năm 2012 Trung tâm Khuyến nông bắt đầu thực hiện dạy nghề cho lao động nông thôn và chị được phân công giảng dạy lớp học ở buôn Kô Tam, xã Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột). Thời gian đầu học viên tham gia rất hời hợt bởi đa số nông dân vẫn còn làm việc theo kinh nghiệm nên việc duy trì sĩ số lớp học để đạt yêu cầu của chương trình đào tạo từ 30-35 học viên được đánh giá rất khó khăn. Tuy nhiên, sau 2 ngày giảng dạy, lượng học viên tăng từ 31 lên 39 người khi nhiều người nhận thấy kiến thức được học thiết thực cho sản xuất của gia đình. Thậm chí số học viên xin đi học thêm vượt khung đào tạo nghề sẵn sàng chấp nhận không nhận hỗ trợ (15.000 đồng/ngày) và giấy chứng nhận cuối khóa mà chỉ mong muốn được đến lớp để tiếp cận kiến thức từ đó thay đổi cách sản xuất sao cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Hiện tại, đa số các học viên đều có kinh tế khá giả, biết sản xuất đúng kỹ thuật nên chất lượng cà phê được nâng cao và là xã viên của HTX Nông nghiệp Công bằng Ea Tu.

Chị Phượng cho rằng, không những phải có kiến thức lý thuyết, thực tế vững vàng mà những người đứng lớp như chị còn phải có kỹ năng truyền đạt và xử lý tình huống bởi sự đa dạng đối tượng học viên. Trong những trường hợp đó thì việc đầu tiên là giáo viên phải bao quát lớp để các học viên có cảm giác được quan tâm. Sau đó là lắng nghe ý kiến thắc mắc của học viên để sau đó sử dụng kỹ năng “chuyền bóng” - đem câu hỏi của học viên này cho các học viên khác trả lời nhằm tạo nên sự sôi nổi, hứng khởi tranh luận giữa các học viên, tạo nên tình gắn kết giữa các học viên sau mỗi khóa học. Cùng với truyền đạt lý thuyết,  chị Phượng còn trực tiếp hướng dẫn nông dân thực hành trên đồng ruộng và giải đáp các thắc mắc trong quá trình sản xuất cho bà con. Đồng thời tạo đầu mối kết nối để chia sẻ kinh nghiệm sản xuất thực tiễn giữa những các nông dân với nhau. Đây là điều rất quan trọng, tạo tâm thế vững vàng cho nông dân trong quá trình sản xuất thực tiễn.

Với những nỗ lực của bản thân, nhiều năm liền chị Huỳnh Thị Thu Phượng đạt được danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và quan trọng hơn là chị được nhiều nông dân tin tưởng và yêu mến.

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.