Multimedia Đọc Báo in

Phụ nữ nghĩ giàu và làm giàu

09:43, 08/03/2018

Nhanh chóng bắt nhịp với cơ chế thị trường, năng động tìm tòi phát triển những ngành nghề thế mạnh của địa phương cho thu nhập cao, nhiều phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã trở thành tấm gương sáng để chị em noi theo trong việc nghĩ giàu và làm giàu.

Với chị Nguyễn Thị Nhỏ (Giám đốc Công ty TNHH Diễm Minh, xã Pơng Đrang, huyện Krông Búk), ý tưởng phải làm giàu để phát triển kinh tế gia đình được nhen nhóm từ năm 2001. Khi đang trên đường đi làm rẫy về, thấy có nhiều người bán cà phê tươi nhưng không có người mua, chị liền bàn với chồng vay người thân và họ hàng một số tiền làm vốn thu mua cà phê tươi rồi xay lấy nhân nhập cho các đại lý để kiếm lời. Với tính cách mạnh mẽ và quyết tâm cố gắng vươn lên trong cuộc sống, đồng thời, nhanh nhạy trong việc nắm bắt nhu cầu thị trường lúc bấy giờ, chị mạnh dạn mở đại lý chuyên thu mua hàng nông sản và bán phân bón các loại. Dần dần, chị mở rộng thêm thu mua trái cây các loại như: sầu riêng, bơ, chanh dây để cung cấp cho thị trường trong nước. 

Chị Hiệp kiểm tra miến dong trong công đoạn phơi khô.
Chị Hiệp kiểm tra miến dong trong công đoạn phơi khô.

Với cách làm này, không những kinh tế gia đình chị ngày càng đi lên mà còn góp phần tạo công ăn việc cho nhiều người, đặc biệt là tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động nữ tại địa phương. Nhờ sự dám nghĩ, dám làm, đến năm 2012 cơ sở của chị đã đủ điều kiện để thành lập công ty hoạt động rất hiệu quả. Được biết, không chỉ làm giàu cho gia đình, chị Nhỏ còn đầu tư, hỗ trợ chị em phụ nữ nghèo phát triển sản xuất cũng như tích cực tham gia các chương trình thiện nguyện, vì an sinh xã hội.

Gắn bó với nghề kinh doanh vật liệu xây dựng và trang trí nội thất từ nhiều năm nay, bà Ngô Thị Ngọc Lan (thị xã Buôn Hồ) được nhiều chị em trên địa bàn biết đến là người phụ nữ thành đạt. Để đứng vững trong nghề này, bà Lan luôn đặt uy tín lên hàng đầu. Bên cạnh đó, bà luôn nhanh nhạy trong việc nắm bắt nhu cầu thị hiếu của người dân để kịp thời cập nhật những sản phẩm nội thất có mẫu mã mới, đẹp cho cửa hàng của mình.  Song song với việc kinh doanh này, bà còn cùng con gái thành lập trung tâm nghệ thuật chuyên đào tạo các lớp múa, hát, nhạc cụ cho mọi lứa tuổi. Đặc biệt, bà Lan đã tự bỏ kinh phí, đứng ra thành lập và đào tạo một nhóm gồm 20 em có hoàn cảnh khó khăn chuyên đi biểu diễn văn nghệ phục vụ người dân ở vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh. Không những thế, bà còn là người tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, phong trào của phụ nữ.

Bà Ngô Thị Ngọc Lan (bên phải) giới thiệu các sản phẩm trang trí nội thất tại cửa hàng của gia đình.
Bà Ngô Thị Ngọc Lan (bên phải) giới thiệu các sản phẩm trang trí nội thất tại cửa hàng của gia đình.

Còn với chị Cao Thế Trần Hiệp (phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột), công việc chính của chị là làm miến dong. Đây là nghề gia truyền của gia đình chồng chị từ hàng chục năm nay. Những ngày đầu mới theo nghề, do chưa quen công việc và đầu ra không ổn định nên chị chỉ có thể làm với số lượng khoảng 20 kg/ngày. Trải qua bao thăng trầm của nghề, chị vẫn không từ bỏ mà kiên trì học hỏi từng khâu sản xuất đến việc tìm nơi tiêu thụ. Đến nay sau hơn 20 năm gắn bó với nghề, chị đã tạo dựng cơ sở làm miến có uy tín, hằng ngày sản xuất gần 1 tạ miến cung cấp cho thị trường và tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động ở địa phương. Chị Hiệp chia sẻ: “Với nghề làm miến dong, không những kinh tế gia đình ổn định mà tôi có thể lo cho 3 đứa con đang tuổi ăn học và tiền thuốc men cho chồng đang bị bệnh”. Theo chị, nghề làm miến dong ở phường Khánh Xuân xuất hiện từ những năm 1975, đến nay đã có nhiều hộ bỏ nghề cha ông để lại hoặc chuyển sang làm miến gạo, bún, phở khô, bánh tráng vì khó khăn trong đầu ra.

Quả thật, thành công không phải một sớm một chiều, nó chỉ đến với những ai dám mơ ước, dám thực hiện và đương đầu với khó khăn thử thách. Và những kết quả đạt được ngày hôm nay của các chị càng thêm khẳng định, chỉ cần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm có thể mang lại thành công.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.