Sau những lời ru buồn
Nạn tảo hôn diễn ra tại hầu hết các địa phương trên địa bàn huyện Cư M’gar, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống của người dân...
Năm nay, mới 17 tuổi nhưng B.T.L đã lấy chồng được gần 2 năm. Chồng L là T.V.S (SN 1994) ở buôn Dao, xã Ea Kuêh (huyện Cư M’gar). Nhà L ở tỉnh Gia Lai, mẹ bỏ đi từ khi còn nhỏ, bố ít quan tâm tới con cái nên con đường học hành của em bị dang dở... Năm 2014, khi L đến buôn Dao làm công cho người họ hàng, sau nhiều lần qua nhà S xin nước thì phát sinh tình cảm. Cả hai đến với nhau chỉ sau 10 tháng tìm hiểu. Lý giải về việc lấy chồng sớm của mình, B.T.L nói: “Em đi làm rẫy, qua đây lấy nước sinh hoạt rồi quen nhau, nói chuyện thấy ưng nhau thì lấy. Thích thì lấy thôi”.
Cách nhà B.T.L khoảng 400 m là gia đình T.T.M và B.S.P (cùng buôn Dao). Cả hai nên duyên vợ chồng chưa được 1 năm. Điều đáng nói, M năm nay chỉ mới 17 tuổi và là con của một cán bộ trong buôn. Theo lời gia đình B.S.P, lúc đầu bên nhà gái cũng phản đối chuyện cưới xin vì M chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định nhưng sau cũng phải chiều con vì sợ cả hai nghĩ quẩn....
Cán bộ phụ trách, cộng tác viên dân số xã Ea Kuêh thường xuyên đến các gia đình tuyên truyền về chính sách dân số - KHHGĐ. |
Bà Trần Thị Huấn, cán bộ phụ trách công tác dân số của xã Ea Kuêh nhiều năm nay lắc đầu cảm thán khi được hỏi về công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) của địa phương: “Tình trạng tảo hôn không chỉ mới xảy ra, mà đã có từ nhiều năm trước đây. Từ năm 2013 đến 2017, trên địa bàn xã có 39 trường hợp tảo hôn. Chúng tôi đã phối hợp với cán bộ Tư pháp, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Ban tự quản các thôn, buôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động về chính sách dân số - KHHGĐ đến tận các gia đình. Sau khi được tuyên truyền, vận động, có hộ đã hiểu, chấp hành nghiêm túc, tuy nhiên nhiều hộ vẫn đồng ý cho con lập gia đình khi chưa đủ tuổi kết hôn. Điều đáng nói, tảo hôn không chỉ xảy ra ở người dân tộc thiểu số mà còn cả với người Kinh...”.
Không chỉ xã Ea Kuêh mà ở hầu hết các xã, thị trấn trên địa bàn huyện vẫn còn xảy ra tình trạng tảo hôn. Theo số liệu thống kê, năm 2017 huyện Cư M’gar có 112 trường hợp tảo hôn; trong đó “điểm nóng” là các địa phương: Ea Kuêh, Cư Suê (mỗi xã 12 trường hợp), Quảng Hiệp, Ea M’droh (mỗi xã 10 trường hợp), Ea Pốk, Cư Dliê Mnông (mỗi địa phương có 9 trường hợp)...
Chị Nguyễn Thị Thoan (bìa trái), cộng tác viên dân số thôn 6, xã Ea Kpam đang tuyên truyền về chính sách dân số - KHHGĐ. |
Những năm qua, huyện Cư M’gar đã có nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn, trong đó công tác tuyên truyền, vận động được đẩy mạnh. Đối tượng được tập trung tuyên truyền là đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực có mức sinh cao, với nhiều hình thức phong phú, đa dạng như: phát băng tuyên truyền trên xe lưu động; nói chuyện chuyên đề; phát tờ rơi; thông qua các buổi họp nhóm, lồng ghép sinh hoạt trong câu lạc bộ, tổ, hội… Đồng thời lực lượng cán bộ phụ trách, cộng tác viên dân số “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà và rà từng đối tượng” để tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chính sách dân số - KHHGĐ… Tuy nhiên, những hoạt động này chưa đem lại hiệu quả cao.
Thực tế tại những gia đình tảo hôn thường có cuộc sống vô cùng khó khăn. Ngoài ra, tảo hôn còn là nguyên nhân chính dẫn đến sự suy giảm chất lượng dân số, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người mẹ. Đã có không ít cô gái phải làm vợ, làm mẹ ở tuổi vị thành niên lâm vào những bi kịch về tinh thần, vật chất trong cuộc sống... Thiết nghĩ, để hạn chế tình trạng trên, cấp ủy, chính quyền địa phương và ngành dân số cần có những biện pháp tích cực hơn nữa trong công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của người dân về chính sách dân số - KHHGĐ. Về lâu dài, cần tiếp tục quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa trong lĩnh vực giáo dục, y tế... cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm nâng cao dân trí, thay đổi nhận thức để người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ vượt qua hủ tục, từ đó có sự lựa chọn đúng đắn về hôn nhân.
Lan Anh - Trung Dũng
Ý kiến bạn đọc