Multimedia Đọc Báo in

Tiệc tùng phình to – tăng thêm nỗi lo

09:48, 16/03/2018

Đi ngược với việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, vài năm trở lại đây, tại các vùng nông thôn xuất hiện tình trạng tổ chức đám tiệc ngày càng linh đình, rình rang với vô vàn lý do.

Ngoài những dịp ăn mừng theo truyền thống như đám cưới, tân gia, thôi nôi, mừng thọ,... nhiều gia đình còn tổ chức những bữa tiệc với quy mô 30 – 40 mâm để mừng sinh nhật con (5 tuổi, 8 tuổi, 20 tuổi), tiệc chia tay, kết nghĩa anh em, thậm chí có cả tiệc mừng… xuất viện sau tai nạn giao thông! Đáng ngại hơn, việc tổ chức đám tiệc đang trở thành phong trào, đặc biệt diễn ra phổ biến ở các buôn làng dân tộc thiểu số. Lời lãi chưa thấy, chỉ thấy cả chủ và khách đều mất nhiều thời gian, tiền bạc. Cuối buổi tiệc, đồ ăn thức uống vung vãi, thừa mứa. Có tiệc dư cả vài chục mâm do khách mời không đến.

Nói về thực trạng này trong cộng đồng dân tộc mình, già làng Ae Huy (buôn Kmrơng Prông A, xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột) đã rất lo ngại và khẳng định: “Đây không phải tập tục của người Êđê”. Theo lời ông, người Êđê rất coi trọng tính cộng đồng. Trước kia, mỗi khi chủ nhà có công việc quan trọng cũng tổ chức tiệc suốt mấy ngày, bà con họ hàng mỗi người một tay cùng làm các món ăn với nguyên liệu chủ yếu lấy từ nương rẫy, sông suối. Nhờ các cấp chính quyền kiên trì vận động, người dân bỏ bớt dần những hủ tục để xây dựng nếp sống văn hóa. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, ông lại thấy xuất hiện những bữa tiệc linh đình ở nhiều buôn, buôn Kmrơng Prông A của Ae Huy cũng không ngoại lệ. Không còn các lễ nghi, phong tục truyền thống, tất cả mọi việc đều do dịch vụ gia chánh bao thầu trọn gói. Chủ nhà bỏ tiền thuê dịch vụ rồi chỉ việc ăn mặc đẹp đón khách. Khách đi dự tiệc thì không thể nào thiếu phong bì.

Còn ở xã Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột) lại nở rộ một hình thức tổ chức tiệc khác gọi là “áp rạp”. Ông Nguyễn Văn Kiên, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN xã Hòa Phú cho biết ngay cả ông cũng nhiều lần nhận được “thiệp trong thiệp”; tức là, ngoài thiệp mời dự tiệc trong thiệp chính, chủ nhà còn kèm thêm một thiệp nhỏ mời dự tiệc “áp rạp” vào trước ngày tổ chức tiệc chính. Quy mô “áp rạp” không nhỏ hơn tiệc chính là bao, có khi lên tới 20 – 30 mâm. Không chỉ riêng đám cưới mà đến cả tiệc tân gia cũng có “áp rạp”. Dường như đã thành “luật bất thành văn”, người dự “áp rạp” khi dự tiệc chính vào hôm sau phải bỏ phong bì số tiền gấp rưỡi, gấp đôi bình thường. Mặc dù trong các cuộc họp dân, Ủy ban MTTQVN xã Hòa Phú và Ban Công tác Mặt trận ở các thôn, buôn nhiều lần vận động, nhắc nhở song hiện tượng này vẫn không giảm bớt; đáng ngại hơn, gần đây lại xuất hiện thêm những bữa tiệc “rửa rạp” sau tiệc chính.

Hiện nay, việc vận động xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội chủ yếu do Ủy ban MTTQVN các cấp và các tổ chức thành viên thực hiện. Dễ thấy, trong khi nhu cầu hưởng thụ vật chất của người dân ngày càng tăng, các dịch vụ gia chánh ngày càng nở rộ với nhiều chiêu thức quảng cáo thì cách thức vận động của các cơ quan chức năng vẫn còn đơn điệu, nghèo nàn. Kể cả khi các nội dung xây dựng nếp sống văn minh đã được đưa vào hương ước, quy ước của các cộng đồng dân cư thì việc giảm bớt các bữa tiệc linh đình, lãng phí vẫn khó thực hiện vì thiếu các quy định cụ thể để ràng buộc cũng như thiếu sự nêu gương của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên.

Hệ lụy từ việc nở rộ đãi tiệc ở nông thôn là không hề nhỏ. Không chỉ tốn kém thời gian, tiền bạc của cả khách lẫn chủ, hiện tượng này còn tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự bởi “rượu vào lời ra”, mất an toàn giao thông, khó kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm từ các dịch vụ gia chánh. Chưa kể đến ý nghĩa cộng đồng, nét đẹp truyền thống của các phong tục cưới hỏi, mừng an cư, mừng thọ dần bị biến tướng, tăng thêm gánh nặng tài chính cho người dân nông thôn trong điều kiện cuộc sống còn nhiều khó khăn. Vì vậy, rất cần sự vào cuộc tích cực hơn nữa của các cơ quan, đoàn thể để việc xây dựng nếp sống văn minh, chống xa hoa, lãng phí thực chất, cụ thể hơn và thật sự phát huy hiệu quả.

Đinh Nga


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.