Multimedia Đọc Báo in

Tiêm phòng dại cho chó, mèo: Cần thực hiện quyết liệt hơn

08:27, 23/03/2018

Đắk Lắk hiện đang là tỉnh nằm trong top 10 về tỷ lệ người chết vì bệnh dại và có tỷ lệ tiêm phòng dại đạt thấp. Đây là mối nguy cơ lớn gây bùng phát căn bệnh nguy hiểm này trên động vật và người nếu các địa phương không vào cuộc quyết liệt trong công tác tiêm phòng.

Người dân vẫn thờ ơ

Theo Bộ Y tế, trong năm 2017, cả nước đã ghi nhận 397.693 người được tiêm vắc xin dại và đã có 63 người tử vong tại 32 tỉnh, thành phố. Trong đó, Đắk Lắk có 591 người bị chó cắn, phải tiêm phòng vắc xin dại và có 5 người tử vong. Riêng 2 tháng đầu năm 2018, Đắk Lắk lại có thêm 2 trường hợp nữa tử vong do bệnh này. Nguyên nhân chủ yếu là do đàn chó nuôi chưa được tiêm phòng triệt để; hiện tượng chó, mèo thả rông không được quản lý còn phổ biến; ở nhiều địa phương do chưa thống kê được số lượng đàn chó nuôi nên việc xây dựng kế hoạch không sát với tổng đàn thực tế; công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân còn hạn chế, chưa xử phạt nghiêm những hộ gia đình không chấp hành quy định tiêm phòng cho đàn chó, mèo…

Cán bộ thú y TP. Buôn Ma Thuột thực hiện tiêm phòng vắc xin dại cho chó trên địa bàn xã Cư Êbur (TP. Buôn Ma Thuột).
Cán bộ thú y TP. Buôn Ma Thuột thực hiện tiêm phòng vắc xin dại cho chó trên địa bàn xã Cư Êbur (TP. Buôn Ma Thuột).

Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, toàn tỉnh hiện có khoảng 300 nghìn con chó, mèo. Năm 2017, tỷ lệ tiêm phòng dại chó, mèo ở các địa phương đạt 100% kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, tỷ lệ đàn chó, mèo được tiêm phòng còn quá thấp, chiếm khoảng 18%. Lý giải về điều này, ông Thủy Lệ Vũ, Quyền Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho rằng, năm nào Chi cục cũng triển khai kế hoạch tiêm phòng bệnh dại trên chó mèo, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng xe lưu động đi khắp 15 huyện, thị xã, thành phố để tuyên truyền, phổ biến cho bà con những văn bản, chính sách của Nhà nước liên quan đến phòng, chống bệnh dại trên động vật, cũng như mức độ nguy hiểm của bệnh dại trên người. Tuy nhiên, ở một số khu vực thành thị, khu đông dân cư thì người dân chấp hành tương đối tốt. Riêng ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa thì ý thức người dân còn hạn chế nên việc tiêm phòng bắt buộc bệnh dại cho chó, mèo gặp rất nhiều khó khăn, thường không đạt tỷ lệ tiêm phòng như yêu cầu đề ra. Cụ thể như huyện Ea Kar, là địa bàn có số lượng chó, mèo lớn, khoảng 25.000 con và cũng là địa bàn đã có người chết vì bệnh dại nhưng việc chấp hành tiêm phòng bắt buộc cho chó, mèo của người dân rất kém. Nguyên nhân là do người dân chưa nhận thức được mức độ nguy hiểm của bệnh dại nên còn thờ ơ; sự vào cuộc của chính quyền cấp xã chưa quyết liệt; địa bàn rộng trong khi lực lượng cán bộ thú y xã mỏng, biện pháp tuyên truyền giúp người dân hiểu, nhận thức về bệnh dại chưa hiệu quả… Năm 2017, cả huyện tiêm chỉ được 2.500 liều (chiếm 10% tổng đàn) và năm 2018, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện cũng đăng ký bằng số liều vắc xin năm ngoái vì nếu đăng ký số lượng nhiều mà tiêm không đạt thì Trạm không có kinh phí trả tiền mua vắc xin.

Ngay ở địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, khu vực nội thành người dân còn chấp hành tốt do chủ yếu họ nuôi chó làm thú cưng nên tỷ lệ tiêm phòng đạt 80%. Riêng ở những xã vùng ven, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số,  người dân vẫn không quan tâm đến việc phòng bệnh dại cho chó, mèo và người, tỷ lệ tiêm phòng dại cho chó, mèo chỉ đạt khoảng 60%. Theo Trạm Chăn nuôi và Thú y thành phố, năm  2015 trở về trước, khi Nhà nước còn chính sách hỗ trợ tiêm phòng dại miễn phí cho các xã vùng 3 thì tỷ lệ tiêm phòng trên tổng đàn đạt rất cao. Tuy nhiên, từ khi thành phố không còn xã vùng 3 thì đa số người dân vốn trước đây ở những vùng này không chịu tiêm phòng dại cho động vật do phải mất phí. Đây cũng là một khó khăn mà Trạm chưa có giải pháp để khắc phục.

 Thực hiện nghiêm chế tài xử phạt

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, trước tình hình diễn biến phức tạp về tình hình dại trên cả nước và địa bàn tỉnh, Chi cục đã chỉ đạo các địa phương thực hiện Chương trình Quốc gia giám sát và tiến tới khống chế bệnh dại giai đoạn 2017-2021 và Chỉ thị 31 của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị 12 của UBND tỉnh về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh dại. Và mới đây là Công văn số 1388, ngày 13-2-2018 của UBND tỉnh về tăng cường công tác phòng, chống bệnh dại động vật. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, Sở NN-PTNT phải thực hiện tốt công tác tuyên truyền; yêu cầu người dân phải chấp hành nghiêm công tác tiêm phòng, không được thả rông chó, nếu thả rông phải có dây xích, rọ mõm; trường hợp người bị chó cắn phải đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, hướng dẫn tiêm phòng, xử lý kịp thời; UBND các xã phải thống kê được đàn chó để đăng ký số lượng vắc xin bảo đảm tỷ lệ tiêm phòng theo đúng yêu cầu của pháp luật…

Cán bộ thú y TP. Buôn Ma Thuột thực hiện tiêm phòng vắc xin dại cho chó trên địa bàn phường Tân Lợi.
Cán bộ thú y TP. Buôn Ma Thuột thực hiện tiêm phòng vắc xin dại cho chó trên địa bàn phường Tân Lợi.

 

Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, từ ngày 12-3 đến 12-4-2018, Chi cục triển khai tiêm phòng dại cho chó, mèo trên địa bàn toàn tỉnh, với 42.150 liều vắc xin. Hiện các địa phương đã lập kế hoạch tiêm phòng và tổ chức tiêm phòng lưu động đến tận nhà người dân.

Điểm đáng chú ý trong Công văn này là Chủ tịch UBND cấp huyện phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu có người chết vì bệnh dại trên địa bàn do tiêm phòng vắc xin dại cho đàn chó, mèo không đạt yêu cầu theo quy định. Và cùng với đó là quy định phạt tiền từ 600 – 800 nghìn đồng đối với hành vi không tiêm phòng vắc xin phòng bệnh dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng (tại Điểm a, Khoản 2, Điều 7 trong Nghị định 90/2017/NĐ-CP, ngày 31-7-2017 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thú y). Đây được xem là một chế tài khác với các năm trước, buộc người dân phải chấp hành nghiêm quy định tiêm phòng vắc xin dại cho chó, mèo để bảo đảm an toàn, sức khỏe cho mỗi người dân.

Tuy nhiên, các Trạm Chăn nuôi và Thú y cho rằng, để thực hiện tốt việc tiêm phòng dại cho động vật cũng như các chế tài xử phạt, cần phải có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương chứ không nên để cán bộ thú y “tự bơi” như hiện nay.

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.