Multimedia Đọc Báo in

Trọn một chữ "Tâm" với nghề

09:21, 12/03/2018

Được tận mắt chứng kiến những công việc hằng ngày của các nhân viên tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh mới phần nào thấu hiểu nỗi khó nhọc của những người làm công tác xã hội. Vất vả, thu nhập thấp, nhưng họ vẫn luôn cống hiến hết mình với nghề vì một chữ “Tâm”…

Người thầy thuốc tận tụy

Như thường lệ, 7 giờ sáng mỗi ngày, mọi người lại bắt gặp một y sĩ  già với nụ cười ấm áp, ân cần thăm hỏi, khám bệnh cho những người cao tuổi neo đơn, khuyết tật… đang được chăm nuôi tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh. Ông là y sĩ Đậu Văn Thìn, Phó trưởng Phòng Y tế của Trung tâm. Năm 1988, sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp Y tế Đắk Lắk, ông về công tác tại Viện Điều dưỡng cà phê Việt Nam thuộc Tổng Công ty Cà phê Việt Nam. Đến năm 2003, ông chuyển về làm cán bộ y tế tại đây và gắn bó công việc cho đến nay.

Không giống như ở các cơ sở y tế khác, với đặc thù là trung tâm chăm sóc các đối tượng xã hội nên công việc của nhân viên y tế ở đây vô cùng phức tạp. Ở Trung tâm, có những đối tượng bị liệt, cần tới 2 - 3 người nâng đỡ để vệ sinh cá nhân; có những cụ già không còn minh mẫn thường “làm mình làm mẩy” vô cớ cáu gắt; có những trẻ  sơ sinh vài tháng tuổi đau ốm, khát sữa mẹ quấy khóc đêm ngày... Tất cả những trường hợp “như cơm bữa” ấy đều không làm ông Thìn nản lòng. Với cái tâm của người thầy thuốc, ông luôn lắng nghe, tìm hiểu nắm rõ tâm lý, tính cách của từng đối tượng để có phương pháp điều trị hợp lý. “Để chăm sóc sức khỏe cho những đối tượng đặc biệt như các cụ già, người bị khuyết tật về trí tuệ và vận động thì cần sự kiên trì và thấu hiểu. Họ vốn phải chịu những thiệt thòi về thể xác lẫn tinh thần nên tôi tự nhủ mình không được bỏ cuộc” - ông Thìn tâm sự. 

Hằng ngày, y sĩ Đậu Văn Thìn thường xuyên đến thăm khám cho các bệnh nhân lớn tuổi  ở Trung tâm.
Hằng ngày, y sĩ Đậu Văn Thìn thường xuyên đến thăm khám cho các bệnh nhân lớn tuổi ở Trung tâm.

 

 
“Những nhân viên tại Trung tâm dù không phải người thân nhưng họ luôn quan tâm từng bữa ăn, giấc ngủ của chúng tôi. Đó là niềm vui, hạnh phúc mà chúng tôi may mắn có được”.
 
Bác Nguyễn Minh Phướ(64 tuổi) một người cao tuổi sống ở Trung tâm trải lòng

Không chỉ là một y sĩ tận tâm với bệnh nhân, ông còn nhiệt tình giúp đỡ những thầy thuốc trẻ mới vào nghề và thường được gọi với cái tên trìu mến “bố Thìn”. “Bố Thìn không chỉ dìu dắt chuyên môn giúp chúng tôi vững tay nghề hơn mà còn dạy cho tôi những bài học làm người, giúp tôi yêu hơn công việc của mình” - chị Hồ Thị Thanh Trâm, một y sĩ trẻ chia sẻ.

Hết lòng cho từng bữa ăn

Là người đã có 16 năm gắn bó với Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh và được giao phụ trách bếp ăn, chị Lưu Thị Long (42 tuổi) luôn coi đây là ngôi nhà thứ hai của mình.

Chúng tôi đến nhà bếp của Trung tâm gần giờ ăn trưa, khi chị Long cùng mọi người đang tất bật chế biến món ăn. Chị chia sẻ công việc của mình: “Mỗi buổi chúng tôi nấu cho gần 300 người ăn. Sau khi nấu xong thì chia thức ăn thành từng suất. Nghỉ trưa một lát, chúng tôi lại bắt tay vào chuẩn bị cho bữa chiều. Cứ thế, không ngày nào công việc kết thúc trước 5 giờ chiều”.

Công việc hằng ngày của chị Lưu Thị Long là nấu ăn tại trung tâm.
Công việc hằng ngày của chị Lưu Thị Long là nấu ăn tại trung tâm.

Chị Long là người được phân công nhiệm vụ tổ chức bữa ăn sao cho bảo đảm chế độ dinh dưỡng và cùng với bộ phận y tế để có thực đơn phù hợp với từng bệnh nhân. Chính vì vậy nên công việc của chị không chỉ đơn thuần là đi chợ, nấu ăn mà còn phải luôn suy nghĩ để thay đổi thực đơn cho phù hợp với từng lứa tuổi, đối tượng. Mỗi buổi chiều, chị lại cùng các chị em cấp dưỡng tăng gia sản xuất trên diện tích 1.500 m2 đất, với đa dạng các loại rau củ quả để các cụ già, em nhỏ có bữa ăn an toàn...  “Người già thường khó ăn, phải nấu mềm, nhạt, không cay. Người trẻ tuổi thì lại thích ăn cay, đậm đà, các cháu nhỏ lại phải nấu vừa chín tới, không dai. Nếu không để ý, các cụ lại quở trách” - chị Long hóm hỉnh nói.

Thùy Duyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.