Xuất khẩu lao động: Tạo cơ hội việc làm cho nhiều lao động huyện Cư M'gar
Những năm gần đây, xuất khẩu lao động là “kênh” việc làm được nhiều lao động ở huyện Cư M’gar lựa chọn. Việc đi lao động ở nước ngoài đã và đang mở ra cơ hội việc làm, nâng cao thu nhập cho nhiều gia đình.
Trả được nợ nhờ xuất khẩu lao động
Cách đây hơn 3 năm, vợ chồng anh Phan Văn Huấn và chị Ngô Thị Phượng (thôn Đắk Hà Tây, xã Cư Dliê Mnông) vay mượn 170 triệu đồng để mua 4 sào cà phê. Cà phê cằn cỗi, lại thiếu vốn đầu tư nên hiệu quả thấp, mỗi năm gia đình anh Huấn chỉ thu được hơn 1 tấn nhân, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn, khoản nợ sau nhiều năm vẫn “treo” đó không trả được. Ngôi nhà của gia đình anh là nhà ván nhỏ, cũng đang dần xuống cấp.
Thấy cuộc sống quá khó khăn, từ thông tin của người thân, cuối năm 2016 chị Phượng đã làm hồ sơ đi xuất khẩu lao động sang Ma Cao làm giúp việc. Công việc nhẹ nhàng, mỗi tháng chị được trả lương 10 triệu đồng. Sau hơn 1 năm đi làm ở nước ngoài, chị Phượng đã gửi tiền về cho gia đình được 3 đợt (bình quân mỗi đợt từ 30 – 40 triệu đồng). Hiện nay, gia đình chị đã trả xong khoản 22 triệu đồng chi phí đi lao động xuất khẩu và 50% số nợ trước đó, có thêm vốn để đầu tư vào sản xuất, nuôi các con ăn học. Chị Phượng dự tính sau khi hết hợp đồng sẽ tiếp tục xin gia hạn thêm thời gian làm việc.
Cán bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xã Cư Dliê Mnông (ngoài cùng bên trái) tư vấn về xuất khẩu lao động cho người dân địa phương. |
Không chỉ chị Ngô Thị Phượng, nhiều gia đình ở các thôn, buôn khác ở xã Cư Dliê Mnông cũng có người đi xuất khẩu lao động. Tính từ năm 2015 đến nay, toàn xã đã có hơn 20 lao động đi làm việc ở nước ngoài; riêng năm 2017 có 8 người đi xuất khẩu lao động, chủ yếu tại thị trường Nhật Bản và Đài Loan. Đây cũng là một trong những địa phương có người đi xuất khẩu lao động nhiều nhất của huyện Cư M’gar trong năm 2017. Chị Phạm Thị Huệ, cán bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xã Cư Dliê Mnông cho biết: “Trước đây, nghe đến xuất khẩu lao động là người dân rất e ngại. Những năm gần đây, nhờ tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, lại thấy được hiệu quả của việc đi xuất khẩu lao động nên nhận thức của người dân đã thay đổi, nhiều người coi đây là cơ hội giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập”.
Người lao động đi làm việc ở nước ngoài ngày càng tăng
Trong những năm qua, công tác xuất khẩu lao động được huyện Cư M’gar đặc biệt quan tâm. Ban Chỉ đạo xuất khẩu lao động huyện đã chủ động quán triệt, tham mưu triển khai thực hiện công tác này trên địa bàn; phối hợp với các công ty, doanh nghiệp có uy tín được phép tuyển lao động tổ chức tư vấn xuất khẩu lao động cho người dân tại các địa phương. Bên cạnh đó, huyện còn tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính, giúp người dân tiếp cận với các chính sách xuất khẩu lao động của tỉnh…
“Thực tế cho thấy, việc xuất khẩu lao động đã tạo được công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động ở địa phương. Nhiều gia đình trước đây kinh tế khó khăn, nhưng nhờ có người đi xuất khẩu lao động nên cuộc sống đã cải thiện hơn”.
Trưởng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Cư M’gar Phạm Đình Trọng
|
Nhờ thực hiện đồng bộ các biện pháp, số người tham gia xuất khẩu lao động trên địa bàn huyện không ngừng tăng lên. Trong năm 2017 toàn huyện có 74 người đi xuất khẩu lao động (đạt 185% kế hoạch), tại các thị trường như: Nhật Bản, Đài Loan, Nga, Ý, Hàn Quốc, Ảrập Xêút và Trung Quốc, với các ngành nghề như: nông nghiệp, đóng đồ hộp, may mặc, bốc xếp, chế biến thực phẩm, hàn xì, xây dựng, sản xuất phụ tùng ô tô, giúp việc gia đình, tiếp thị nhà hàng… Những địa phương có người đi xuất khẩu lao động nhiều là: xã Cư Dliê Mnông, Ea Kuêh, Cư M’gar, thị trấn Ea Pốk và xã Ea M’nang. Ông Phạm Đình Trọng, Trưởng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện cho biết: “Năm 2017, chỉ tiêu xuất khẩu lao động của huyện đạt rất cao, tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn đều có người đi xuất khẩu lao động”.
Tuy nhiên, hiện nay người lao động là đồng bào dân tộc thiểu số đi xuất khẩu lao động vẫn còn rất ít. Trong 74 người đi xuất khẩu lao động năm 2017, chỉ có 5 lao động là người dân tộc thiểu số. Nguyên nhân là nhận thức của người lao động về xuất khẩu lao động vẫn còn hạn chế, nhiều người vẫn ngại xa nhà, không muốn đi làm xa; trình độ, năng lực, kỹ năng lao động của một số người lao động dân tộc thiểu số chưa cao; mặt trái của việc xuất khẩu lao động cũng tác động khiến không ít người e ngại…
Trung Dũng
Ý kiến bạn đọc