Đồng hành, sẻ chia cùng lao động nữ
Thời gian qua, các hoạt động xã hội, tương trợ trong nữ công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) được các cấp công đoàn duy trì thường xuyên thông qua các hoạt động, chương trình trợ giúp thiết thực cả về vật chất, tinh thần…
Công ty TNHH Môi trường Đông Phương hiện có 167 công nhân lao động, trong đó có 90% là lao động nữ. Chị Phan Thị Diễm, Chủ tịch Công đoàn cơ sở (CĐCS) công ty cho biết, để lao động nữ phấn khởi, thi đua trong công việc, gắn bó lâu dài với công ty, Ban Chấp hành công đoàn công ty đã thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể với nhiều điểm có lợi cho người lao động về mức lương, thưởng, tham gia bảo hiểm, bồi dưỡng độc hại, sắp xếp ca làm việc hợp lý, cung cấp đầy đủ bảo hộ lao động… Những trường hợp khó khăn đột xuất, bệnh hiểm nghèo hay bị tai nạn lao động đều được đơn vị và công đoàn thăm hỏi, hỗ trợ từ 1-3 triệu đồng/người. Ban Chấp hành công đoàn cũng đã tham mưu cho giám đốc công ty xây dựng quỹ góp vốn, đến nay được hơn 400 triệu đồng, giải quyết cho khoảng 100 lao động khó khăn vay để sửa chữa nhà ở hoặc đầu tư phát triển kinh tế.
LĐLĐ tỉnh phối hợp tổ chức khám bệnh, cấp thuốc cho nữ công nhân lao động tại Cụm Công nghiệp Tân An (TP. Buôn Ma Thuột). |
Chẳng hạn như chị Hứa Thị Đông Trinh đã được công ty cho vay 6 triệu đồng để đầu tư nuôi gà, vịt, kiếm thêm thu nhập trung bình từ 500.000 đồng - 1 triệu đồng/tháng. “Nguồn vốn cho vay tuy không nhiều nhưng cũng giúp người lao động giải quyết được khó khăn trước mắt. Hơn nữa, đây còn là sự tương trợ, chia sẻ khó khăn của công ty, công đoàn đối với người lao động” - chị Trinh chia sẻ.
Là hộ nghèo ở buôn Tai, xã Krông Jing (huyện M’Đrắk), tháng 7-2016, chị H’Thủy Niê đã được Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh hỗ trợ một con bò cái sinh sản trị giá 15 triệu đồng từ nguồn Quỹ Vì nữ CNVCLĐ nghèo, đến nay đã có thêm hai con bê. “Trước đây gia đình tôi muốn phát triển chăn nuôi nhưng không có vốn nên đành chịu. Nhờ được LĐLĐ tỉnh hỗ trợ, gia đình đã phát triển được chăn nuôi bò cải thiện cuộc sống”, chị H’Thủy cho hay.
Bà Hà Thị Thu Lệ, Trưởng Ban Nữ công - LĐLĐ tỉnh
|
Trên đây chỉ là hai trong số hàng nghìn đoàn viên, CNVCLĐ nữ trên địa bàn tỉnh có hoàn cảnh khó khăn đã được các cấp công đoàn hỗ trợ, giúp đỡ. Theo bà Hà Thị Thu Lệ, Trưởng Ban Nữ công - LĐLĐ tỉnh, toàn tỉnh hiện có gần 42.000 đoàn viên, nữ CNVCLĐ. Đời sống của nhiều lao động nữ còn khó khăn, ít có điều kiện, thời gian tham gia các hoạt động xã hội, vui chơi giải trí. Thời gian qua, ban nữ công, công đoàn các cấp đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, kiến thức pháp luật cho lao động nữ thông qua các hình thức như tập huấn, gặp mặt, tọa đàm, hội thi, giao lưu văn nghệ, thể thao, trao đổi kinh nghiệm, biểu dương nữ CNVCLĐ tiêu biểu… Bên cạnh đó, từ năm 2013 đến nay, các cấp công đoàn đã tổ chức trên 250 cuộc kiểm tra, nhắc nhở, đề xuất, kiến nghị các đơn vị, doanh nghiệp bảo đảm thực hiện các chính sách đối với lao động nữ. Qua đó đã can thiệp, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho trên 100 lao động nữ.
Chị Hứa Thị Đông Trinh, công nhân Công ty TNHH Môi trường Đông Phương với công việc thường ngày của mình. |
Theo bà Võ Thị Hạnh, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, so với những khó khăn mà nữ CNVCLĐ đang phải đối mặt thì những hoạt động, chương trình trợ giúp của các cấp công đoàn chưa nhiều. Tuy nhiên, chính sự quan tâm, sẻ chia đó đã phần nào giúp lao động nữ, nhất là những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, ốm đau, hoạn nạn thêm vững tin vào tổ chức công đoàn, nỗ lực vươn lên trong lao động, sản xuất. Nhờ đó, mỗi năm trên địa bàn tỉnh có trên 35.000 nữ CNVCLĐ đạt danh hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, nhiều chị đã khẳng định được vị thế, vai trò trong gia đình, xã hội.
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc