Multimedia Đọc Báo in

Những người bạn quốc tế nặng lòng với bảo tồn voi

07:42, 29/04/2018

Những năm qua, Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk luôn chú trọng công tác hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo tồn voi. Từ chương trình hợp tác này, những chuyên gia quốc tế đã sang tận nơi truyền đạt kiến thức, kỹ thuật điều trị, chăm sóc voi cho cán bộ, nhân viên của Trung tâm; đầu tư thêm cơ sở vật chất, từ đó đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong công tác bảo tồn voi.

Ông Nguyễn Công Chung, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk cho biết, từ năm 2014, đơn vị bắt đầu tìm kiếm sự hợp tác của quốc tế trong lĩnh vực bảo tồn, xem đây là một nguồn lực quan trọng để nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ, nhân viên cũng như điều kiện cơ sở vật chất cho công tác bảo tồn voi. Sau những nỗ lực tìm kiếm, tiếp xúc với nhiều tổ chức quốc tế về bảo tồn động vật hoang dã, Trung tâm đã kết nối được với Tổ chức Động vật châu Á (AAF). Thời gian đầu, tổ chức này cử các chuyên gia hỗ trợ Trung tâm về kinh nghiệm chăm sóc, điều trị bệnh cho voi. “Khi mới thành lập, cán bộ, nhân viên của Trung tâm ở nhiều đơn vị khác nhau chuyển về, chủ yếu có chuyên môn về thú y, nên phần lớn là đi học hỏi kinh nghiệm từ những người nuôi voi. Trong khi đó, tài liệu chuyên môn viết về voi không có nên anh em gặp rất nhiều khó khăn trong chăm sóc, khám chữa bệnh cho voi. Nhưng khi được tiếp xúc với các chuyên gia quốc tế về voi, được họ truyền đạt kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm, đã từng bước nâng cao hiểu biết về voi một cách khoa học, toàn diện hơn, đặc biệt là phong cách làm việc chuyên nghiệp”, ông Chung tâm sự.

 Bà Erin Ivory chuyên gia  cao cấp về  huấn luyện voi của Vườn thú Noth Carolina (bìa phải) đang  hướng dẫn nhân viên  Trung tâm  Bảo tồn voi  Đắk Lắk cách huấn luyện voi.
Bà Erin Ivory chuyên gia cao cấp về huấn luyện voi của Vườn thú Noth Carolina (bìa phải) đang hướng dẫn nhân viên Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk cách huấn luyện voi.

Tháng 5-2016, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo tồn voi có thêm bước tiến mới khi Tổ chức Động vật châu Á và UBND tỉnh ký kết Bản ghi nhớ về việc Hợp tác thực hiện Dự án Bảo tồn voi Việt Nam tại tỉnh Đắk Lắk. Theo đó, giai đoạn 2016-2018 Tổ chức Động vật châu Á sẽ đầu tư 50.000 USD để nâng cao chất lượng và năng lực chăm sóc, bảo tồn voi cho Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk. Từ đó đến nay, Tổ chức Động vật châu Á đã tổ chức 15 đoàn với hơn 20 chuyên gia đến làm việc; hỗ trợ Trung tâm Bảo tồn voi thực hiện các nhiệm vụ: Hỗ trợ cứu hộ, tư vấn điều trị voi hoang dã bị thương; tư vấn thiết kế xây dựng khu chăn thả voi nhà tại huyện Buôn Đôn; hướng dẫn cho cán bộ, viên chức của Trung tâm phương pháp chăm sóc thú y, huấn luyện voi theo hướng tích cực; phổ biến kinh nghiệm chăm sóc, sinh sản cho voi cái mang thai; xây dựng kế hoạch, định hướng phát triển của Trung tâm Bảo tồn voi trong những năm tiếp theo, kêu gọi thêm sự quan tâm, tài trợ của các tổ chức khác trên thế giới...

Bên cạnh đó, tổ chức này cũng đầu tư cho Trung tâm một số máy móc, thiết bị quan trọng phục vụ cho công tác bảo tồn voi như: khu hàng rào điện dùng để nuôi dưỡng và chăm sóc voi cứu hộ theo kiểu bán hoang dã với diện tích 6.000 m2; ống nhòm Protein trong máu (để kiểm tra nồng độ protein trong máu); máy ly tâm (dùng để ly tâm tách huyết tương và huyết thanh trong mẫu máu phục vụ cho việc kiểm tra; lắp đặt cân điện tử cho voi (một thiết bị cần thiết cho việc xác định trọng lượng của các cá thể voi nhà để sử dụng thuốc và chế độ dinh dưỡng hợp lý, có hiệu quả trong việc theo dõi quá trình phát triển và chữa bệnh cho voi).

Khu hàng rào điện dùng để nuôi dưỡng và chăm sóc voi cứu hộ do Tổ chức Động vật Châu Á tài trợ xây dựng cho Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk.
Khu hàng rào điện dùng để nuôi dưỡng và chăm sóc voi cứu hộ do Tổ chức Động vật Châu Á tài trợ xây dựng cho Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk.

Theo ông Huỳnh Trung Luân, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk, được làm việc với các chuyên gia quốc tế trong lĩnh vực này ngoài học hỏi kiến thức thì cách làm việc và thái độ ứng xử với loài vật này cũng cho cán bộ nhân viên của Trung tâm nhiều bài học bổ ích. Đơn cử như việc dạy cho voi Gold ăn (chú voi rừng hai tháng tuổi bị rơi xuống giếng năm 2016), các chuyên gia quốc tế đã tìm cách giấu thức ăn voi ưa thích trong bãi chăn thả để Gold tự tìm ăn. Theo lý giải của các chuyên gia quốc tế, nếu con người cứ chuẩn bị thức ăn rồi đưa đến tận nơi cho voi ăn, dần dần sẽ làm mất đi bản năng tìm kiếm thức ăn của voi….

 Câu chuyện của ông Luân làm tôi nhớ đến buổi lễ bàn giao khu hàng rào điện dùng để nuôi dưỡng và chăm sóc voi cứu hộ của Tổ chức Động vật Châu Á cho Trung tâm Bảo tồn voi. Lúc đó bà Erin Ivory chuyên gia cao cấp về huấn luyện voi của Vườn thú Noth Carolina (Mỹ) đang giúp nhân viên Trung tâm huấn luyện hai con voi rừng được cứu hộ ở đây. Một số khách mời của buổi lễ khi thấy nhân viên Trung tâm Bảo tồn voi cầm một cây gậy i-nox màu trắng để hướng dẫn voi thực hiện các động tác theo yêu cầu đã thắc mắc hỏi rằng: Đó có phải cây roi điện để cho voi sợ buộc phải thực hiện những động tác theo yêu cầu của nhân viên Trung  tâm không? Khi nghe phiên dịch viên thuật lại câu hỏi này, bà Erin Ivory xua tay và nói: “Đó là cây gậy bình thường không hề có điện. Nói cho họ biết chúng ta dạy voi bằng tình thương và sự hiểu biết chứ không dùng bạo lực để ép buộc voi phải làm theo”.

                                  Vạn Tiếp


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.