Multimedia Đọc Báo in

Sức sống mới ở "làng 4 không"

09:20, 18/04/2018

Những năm gần đây, nhờ sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, thôn Bình Lợi (xã Cư Mlan, huyện Ea Súp) - địa phương từng được mệnh danh là “Làng 4 không” (gồm: không đường, không điện, không trường học, không trạm y tế) đã dần thay da đổi thịt.

Nằm cách trung tâm xã Cư M'lan khoảng 25 km, thôn Bình Lợi là nơi sinh sống của 250 hộ dân, chủ yếu là người dân tộc thiểu số di cư từ các tỉnh phía Bắc vào lập nghiệp, 100% hộ dân tại thôn thuộc diện nghèo. Trước đây, thôn nằm trong rừng sâu, biệt lập, đời sống của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp và tự cung tự cấp. Từ năm 2011, cùng với việc quyết định thành lập thôn, các cấp, ngành từ tỉnh đến huyện đã chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng, đặc biệt là những công trình phúc lợi thiết yếu như: điện, đường và trường học. Cụ thể, năm 2012, Nhà nước đã đầu tư làm mới 20 km đường cấp phối từ trung tâm huyện Ea Súp vào thôn Bình Lợi, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, giao thương trao đổi hàng hóa. Cùng với đó từ năm 2014 đến nay, từ nguồn vốn đầu tư của Nhà nước và xã hội hóa của các tổ chức, cá nhân đã xây dựng được 3 điểm trường với 2 lớp học mầm non, 3 lớp tiểu học và 2 lớp trung học cơ sở, tạo điều kiện cho 217 trẻ em đến trường, không còn cảnh vượt hàng chục cây số để đến trường hoặc nghỉ học giữa chừng.

Các hộ dân tại thôn Bình Lợi đã được sử dụng hệ thống lưới điện quốc gia.
Các hộ dân tại thôn Bình Lợi đã được sử dụng hệ thống lưới điện quốc gia.

Cuối tháng 8-2017, Tổng Công ty Điện lực Miền Trung đã đầu tư hơn 15 tỷ đồng để kéo điện lưới quốc gia vào tận thôn Bình Lợi. Công trình có tổng chiều dài khoảng 32 km, gồm hệ thống 22 km đường dây 22KV, hơn 11 km đường dây 0,4 KV và 4 trạm biến áp phụ tải. Công trình đi vào hoạt động không những giúp người dân thuận lợi trong sinh hoạt mà còn mở ra hướng phát triển sản xuất mới. Thay vì trồng những cây nông nghiệp ngắn ngày như sắn, ngô, bà con đã mạnh dạn đầu tư trồng cây công nghiệp lâu năm, như: điều, tiêu, cà phê… mang lại hy vọng đổi thay cuộc sống nơi đây. Chị Võ Thị Tuyết, người dân thôn Bình Lợi phấn khởi: “Từ khi thôn Bình Lợi có điện, người dân đã được tiếp cận với phương tiện nghe nhìn, đầu tư nhiều phương tiện phục vụ cho sản xuất nông nghiệp”.

Điểm trường học tại thôn Bình Lợi, xã Cư M'lan.
Điểm trường học tại thôn Bình Lợi, xã Cư M'lan.

Theo thống kê của UBND xã Cư M'lan, đến cuối năm 2017 tỷ lệ hộ nghèo tại thôn Bình Lợi còn 40% với 88 hộ, giảm 13,8% so với năm 2016. Đây là tín hiệu đáng mừng đối với thôn nơi mà cách đây khoảng 7 năm vẫn mang biệt danh là “Làng 4 không”. Hy vọng với sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, bộ mặt thôn Bình Lợi sẽ ngày càng khởi sắc hơn nữa.

Đức Hạnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.