Multimedia Đọc Báo in

Người cựu chiến binh 25 năm kể chuyện lịch sử

08:39, 14/05/2018

Cũng là những câu chuyện về chiến tranh, về lịch sử dân tộc, nhưng cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Văn Luân (phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột) khiến người nghe thấm  thía hơn bởi kinh nghiệm sống và vốn kiến thức được ông tích lũy.

Phòng làm việc dù nhỏ hẹp, nhưng ông Luân vẫn dành một góc để đặt tủ sách. Trong số hàng chục cuốn sách, nhiều cuốn đã cũ, có những bản photo bằng giấy A4 từ hơn 10 năm trước, được chủ nhân giữ gìn cẩn thận. Hầu hết đó là tài liệu về lịch sử, về Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các vị tướng, danh nhân của dân tộc Việt Nam. Để có được những câu chuyện hay kể cho mọi người như bây giờ, ông Luân đã có một thời hoạt động cách mạng hăng say, mà mỗi thời kỳ đều để lại cho ông những ký ức không bao giờ quên. Ông nhập ngũ năm 1968, phiên chế thuộc Bộ tư lệnh 300, chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị, mặt trận B5. Ông đã trải qua nhiều  cương vị công tác khác nhau như chuyên trách về công tác Đoàn Thanh niên, Bí thư Chi bộ, cán bộ Phòng Tổ chức của Trung đoàn… Từ năm 1991 ông về hưu và sinh hoạt Đảng, đoàn thể tại phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột. Nguyên là Chủ tịch Hội CCB phường, ông Luân được tín nhiệm mời kể chuyện cho các trường học, các buổi giao lưu với CCB trong các ngày lễ với tư cách là “nhân chứng sống” đã trải qua quá trình cách mạng gian lao nhưng đầy hào hùng.

Để câu chuyện lịch sử luôn mới với người nghe, ông Luân phải thường xuyên nghiên cứu  tài liệu.
Để câu chuyện lịch sử luôn mới với người nghe, ông Luân phải thường xuyên nghiên cứu tài liệu.

Tùy mỗi đối tượng (học sinh, sinh viên, giáo viên, CCB…) ông Luân sẽ kể theo những cách khác nhau để buổi kể chuyện đạt hiệu quả tốt. Với ông, kể chuyện cho đối tượng CCB là khó nhất. “Họ là những người đã từng chiến đấu, đã biết được “mùi” chiến trường nên tôi sẽ không đề cập đến vấn đề mà anh em đã quá nhàm chán như bắn súng ra sao, lăn lê bò trườn như thế nào, mà phải ví dụ về những trận đánh đã thắng của mình, kinh nghiệm đạt được sau khi kết thúc trận đấu, kinh nghiệm dùng ký hiệu, tín hiệu, ám hiệu…”, ông Luân chia sẻ.

Học sinh, sinh viên vẫn luôn là đối tượng mà ông Luân tâm đắc và muốn chia sẻ nhất. Nói với sinh viên phải nói tới lý tưởng. Kể chuyện cho lớp trẻ, ông luôn lấy cuốn tiểu thuyết “Bất khuất” làm kim chỉ nam để kể về những gương chiến đấu kiên cường,dũng cảm của những chiến sĩ cộng sản, với mong muốn tạo nên chí khí anh hùng và lòng dũng cảm của thanh niên. Ông Luân chia sẻ: “Trách nhiệm và nghĩa vụ thiêng liêng của thế hệ trẻ là bảo vệ thành quả của Xã hội chủ nghĩa. Trong đó, môi trường quân đội là một trường “đại học tổng hợp” sẽ giúp mình trưởng thành, thay đổi tính cách và hình thành nhân cách tốt, đó là một trong những điều mà tôi luôn khuyến khích các cháu bây giờ”.

Hơn 25 năm qua, ông Luân được biết đến là người kể chuyện chuyên nghiệp với phong cách hóm hỉnh, giản dị và sâu sắc. Thế nhưng ông bảo, kể chuyện không phải là “nghề”. Bởi sau những đêm thức khuya “soạn bài” và những buổi “đứng lớp”, cái ông có là niềm vui khi mang lại những kiến thức và sự trân trọng lịch sử cho mọi người.

Băng Châu


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.