Multimedia Đọc Báo in

Người tổ trưởng vay vốn tận tâm với công việc

08:35, 29/05/2018

Nhanh nhẹn và nhiệt tình với công việc, năm 2015 chị H’Ngâu Mlô được bầu làm Tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn của buôn Tơng Sinh, xã Ea Đar (huyện Ea Kar).

Buôn Tơng Sinh hiện có 413 hộ, 2.087 khẩu, trong đó gần 69% là người Êđê. Dù người dân có đất sản xuất nhưng lại thiếu vốn, phương thức sản xuất lạc hậu nên tỷ lệ hộ nghèo trong buôn còn cao, chiếm hơn 18%. Trước tình hình đó, chị H’Ngâu luôn trăn trở tìm giải pháp giúp người dân dễ dàng tiếp cận được các chính sách, chương trình tín dụng của Nhà nước và kịp thời nắm bắt thủ tục quản lý nguồn vốn chính sách. Chị thường xuyên tham gia các lớp tập huấn và cuộc họp giao ban do Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện phối hợp với chính quyền, đoàn thể địa phương tổ chức. Từ đó chị biết cách hướng dẫn cho các thành viên trong tổ được vay vốn của Ngân hàng CSXH một cách nhanh chóng, thuận tiện. Ngoài ra, chị còn tích cực phối hợp với ban tự quản, các tổ chức đoàn thể trong buôn đẩy mạnh tuyên truyền, bình xét công bằng để nguồn vốn cho vay đúng đối tượng thụ hưởng; thường xuyên theo dõi, hướng dẫn tổ viên sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả và trả lãi, gốc đúng thời hạn quy định. Nhờ đó, số nợ quá hạn, lãi tồn được giải quyết dứt điểm qua từng năm. Đồng thời, đối với những tổ viên, trong quá trình vay và trả nợ ngân hàng nếu gặp khó khăn, rủi ro, chị H’Ngâu đã chủ động kêu gọi các thành viên trong tổ đóng góp tiền hỗ trợ giúp họ từng bước vượt qua khó khăn.

Chị H’Ngâu Mlô (phải) đến thăm mô hình chăn nuôi bò sinh sản  của gia đình chị H’Vinh Bkrông.
Chị H’Ngâu Mlô (phải) đến thăm mô hình chăn nuôi bò sinh sản của gia đình chị H’Vinh Bkrông.

Cách làm của chị H’Ngâu đã thu hút được nhiều thành viên tham gia tổ tín dụng tiết kiệm. Hiện nay, tổ tín dụng tiết kiệm và vay vốn do chị H’Ngâu quản lý có 40 thành viên với dư nợ gần 1 tỷ đồng. Tổ còn xây dựng quỹ tín dụng tiết kiệm được gần 20 triệu đồng. Nhờ được vay vốn, nhiều hộ đã có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Tính riêng năm 2017, buôn Tơng Sinh đã có 5 hộ thoát nghèo; nhiều gia đình đã mua sắm được dụng cụ, phương tiện phục vụ sản xuất, chăn nuôi và các phương tiện sinh hoạt hiện đại. Tiêu biểu như gia đình chị H’Vinh Bkrông nhờ được tạo điều kiện vay vốn ngân hàng đã vươn lên phát triển kinh tế. Trước đây, gia đình chị H’Vinh thuộc diện hộ nghèo song không dám vay vốn sản xuất vì sợ không có khả năng trả nợ. Năm 2015, sau khi được hướng dẫn thủ tục, chị H’Vinh đã mạnh dạn vay 25 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện để đầu tư chăn nuôi bò sinh sản. Sau 3 năm, gia đình chị H’Vinh đã thoát nghèo, trả hết nợ cho ngân hàng và tích lũy thêm vốn đầu tư sản xuất.

Với sự năng động tham gia công tác tín dụng chính sách, chị H’Ngâu luôn được bà con nhân dân tin yêu, tín nhiệm và được Ngân hàng CSXH huyện Ea Kar và các cấp chính quyền biểu dương, khen thưởng.

Hoàng Nguyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.