Thanh niên mạnh dạn phát triển mô hình kinh tế mới
Chia sẻ về cơ duyên đến với trang trại nuôi chó cảnh, anh Tiến tâm sự, năm 2013, sau khi tốt nghiệp ngành Xây dựng cầu đường, anh đã phải lăn lộn buôn bán đủ thứ để kiếm sống, nhưng không hiệu quả. Cuối năm 2016, anh được một người bạn ở TP. Hồ Chí Minh gợi ý cho anh về việc kinh doanh chó cảnh. Sẵn niềm đam mê với chó cảnh, mặc dù bị gia đình phản đối nhưng anh vẫn quyết tâm dành dụm 10 triệu đồng để mua một chú chó Husky đang mang bầu từ TP. Hồ Chí Minh về. Sau 2 tháng chăm sóc, chó đã đẻ được 4 con, thu về cho anh gần 40 triệu đồng. Thấy hiệu quả, anh dùng số tiền vừa bán chó được tiếp tục nhập về thêm 3 con giống gồm 2 con Alaska và 1 con Husky, những chú chó được nhập về tiếp tục sinh sản tốt đã thôi thúc sự quyết tâm của anh để có sự định hướng kinh doanh cụ thể. Anh đã cố gắng tìm tòi, học hỏi thêm cách nuôi chó qua sách vở, tài liệu, đồng thời bỏ ra hơn 2 tháng để đi xuống TP. Hồ Chí Minh học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi, trị bệnh từ các trang trại chó.
Anh Tiến (bìa phải) đang giới thiệu chó cảnh cho khách hàng. |
Trở về, trên diện tích đất rẫy 1.400 m2, anh đã vay mượn khắp nơi để đầu tư xây dựng trang trại nuôi chó cảnh với quy mô 28 chuồng ở và sân chơi cho chó. Trải qua hơn một năm, từ một con giống ban đầu, hiện tại trại anh có khoảng 30 con chó thuộc các dòng: Poodle, Pug, Bulldog, Alaska, Husky… Trong đó có 15 con giống cái, mỗi năm sinh sản hai lứa, mỗi lứa dao động khoảng 5-8 con. Ngoài việc cung cấp chó giống (chó con, chó trưởng thành) ra thị trường, trang trại của anh còn mở rộng các dịch vụ như: lưu chuồng, ký gửi, chăm sóc tại trại; vận chuyển thú cưng; tắm sấy, spa cắt tỉa, trị bệnh ngoài da; phối giống và đỡ đẻ cho chó. Theo tính toán, chỉ sau hơn một năm, sau khi trừ chi phí anh đã thu về được trên 500 triệu đồng từ việc bán chó và các dịch vụ đi kèm. Bên cạnh đó, để mở rộng thị trường và tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm, ngoài việc quảng cáo trên các trang mạng xã hội, anh Tiến đã chủ động liên kết với một cửa hàng bán thú cưng ở TP. Hồ Chí Minh; nhờ vậy, ngoài lượng khách hàng ở tỉnh Đắk Lắk và khu vực Tây Nguyên, anh đã mở rộng thị trường đến các tỉnh phía bắc và phía nam như: Hà Nội, Cần Thơ, Hồ Chí Minh…
Anh Tiến cho biết, chó cảnh ngoại nhập hay mắc các bệnh ngoài da và đường ruột nên cần có chế độ dinh dưỡng và điều kiện chăm sóc đặc biệt, mỗi chú chó cần được tiêm ngừa đầy đủ và vệ sinh sạch sẽ hằng tuần. Trung bình mỗi tháng, một con chó sẽ tốn khoảng hơn 1 triệu đồng cho việc mua thức ăn như: sữa, can xi, rau củ, thịt, trứng vịt lộn… Hiện tại, anh đang tiếp tục mở rộng quy mô trang trại, xây dựng thêm 50 chuồng ở và sân chơi, khu dành cho chó sinh sản. Trong tương lai, trang trại hướng tới quy mô 100 con chó giống để phục vụ nhu cầu khách hàng trên cả nước.
Anh Vũ Minh Cường, Phó Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam huyện Krông Búk, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thanh niên làm kinh tế giỏi cho biết, đây là một mô hình kinh tế mới, không chỉ mang lại thu nhập cao mà còn là mô hình giúp các đoàn viên, thanh niên học hỏi kinh nghiệm để “lập thân lập nghiệp”. Bên cạnh đó, phía Huyện Đoàn, Ủy ban Hội LHTN cũng như câu lạc bộ đang hướng tới việc phối hợp các đoàn viên thanh niên trên địa bàn có cùng chung đam mê, sở thích khởi nghiệp cùng chó cảnh để thành lập một hợp tác xã với các dịch vụ như: tư vấn, chăm sóc, buôn bán thú cưng theo nhu cầu phát triển của xã hội.
Diệu Huyền
Ý kiến bạn đọc