Multimedia Đọc Báo in

Thị trấn Ea Pốk (huyện Cư M'gar): Thực hiện hiệu quả công tác vận động đình sản nữ

09:15, 25/05/2018

Nếu như không ít địa phương khác gặp khó khăn trong vận động các cặp vợ chồng áp dụng biện pháp đình sản thì nhiều năm nay, thị trấn Ea Pốk (huyện Cư M’gar) lại thực hiện hiệu quả công tác này, trở thành điểm sáng trong công tác vận động đình sản nữ của địa phương.

Năm 2017, sau khi sinh đứa con thứ ba do bị “vỡ kế hoạch”, chị Nguyễn Thị Huệ (tổ dân phố Quyết Tiến) đã bàn với chồng áp dụng biện pháp đình sản. Không những không bị phản đối mà chị còn nhận được sự đồng tình, ủng hộ của chồng là anh Nguyễn Văn Chung, dù ba đứa con của anh chị đều là con gái và anh Chung là con trai trưởng trong gia đình. Chị Huệ chia sẻ: “Chồng tôi có tư tưởng rất tiến bộ về việc sinh con và cũng không nặng quan niệm có “đủ nếp đủ tẻ” hay phải có con trai để nối dõi tông đường. Khi lấy nhau, vợ chồng tôi xác định chỉ dừng lại ở hai con để nuôi dạy cho tốt nhưng do có thai ngoài ý muốn nên phải sinh thêm... Gia đình chỉ có 8 sào đất canh tác cà phê nên kinh tế cũng không dư giả, thu nhập chỉ đủ trang trải cuộc sống và nuôi con ăn học, sinh nhiều con thì sẽ rất khó khăn. Được vận động, chúng tôi quyết định thực hiện biện pháp đình sản để tránh thai cho hiệu quả”.

Bà Phạm Thị Kiều Trang (trái), cán bộ chuyên trách Dân số thị trấn Ea Pốk  đang tuyên truyền về chính sách dân số - KHHGĐ.
Bà Phạm Thị Kiều Trang (trái), cán bộ chuyên trách Dân số thị trấn Ea Pốk đang tuyên truyền về chính sách dân số - KHHGĐ.

Không chỉ riêng gia đình chị Huệ, đình sản nữ cũng là một trong những biện pháp tránh thai được nhiều cặp vợ chồng trên địa bàn thị trấn Ea Pốk lựa chọn áp dụng; đặc biệt nhiều gia đình là người dân tộc thiểu số sinh con “một bề” vẫn quyết định áp dụng biện pháp tránh thai này. Nhờ vậy, hằng năm thị trấn Ea Pốk luôn đạt và vượt kế hoạch được giao về chỉ tiêu đình sản. Theo thống kê, từ năm 2016 đến nay, thị trấn đã có 16 cặp vợ chồng áp dụng biện pháp đình sản nữ; cụ thể, năm 2016 có 5 trường hợp (đạt 125% kế hoạch), năm 2017 có 6 trường hợp (đạt 150% kế hoạch) và từ đầu năm 2018 đến nay, thị trấn đã vận động được 5 trường hợp đình sản, đạt 100% kế hoạch. Đến nay, toàn thị trấn có 124 cặp vợ chồng đang áp dụng biện pháp đình sản nữ; là địa phương dẫn đầu của huyện Cư M’gar về số lượng các cặp vợ chồng đình sản nữ.

Có được kết quả này là nhờ Ban Dân số - KHHGĐ thị trấn Ea Pốk đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền về chính sách dân số - KHHGĐ đến từng khu dân cư, hộ gia đình. Hằng năm, Ban Dân số - KHHGĐ thị trấn đã phối hợp với các ban ngành, đoàn thể thường xuyên tổ chức tuyên truyền cho các đối tượng bằng nhiều hình thức như: nói chuyện chuyên đề về chăm sóc sức khỏe sinh sản, tư vấn trực tiếp tại gia đình, lồng ghép trong các buổi họp thôn, buôn, tổ dân phố, sinh hoạt các câu lạc bộ, tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh, băng rôn, khẩu hiệu... Cán bộ dân số, cộng tác viên dân số còn kiên trì đến tận các hộ để tuyên truyền, vận động; trong đó, chú trọng tư vấn cho các hộ nghèo, đông con về tính an toàn, hiệu quả của biện pháp đình sản bằng những dẫn chứng cụ thể về người thật, việc thật, giúp đối tượng chuyển đổi hành vi và tự nguyện thực hiện đình sản… Bà Phạm Thị Kiều Trang, cán bộ chuyên trách Dân số – KHHGĐ thị trấn Ea Pốk cho biết: “Trước đây, do chưa hiểu đúng về biện pháp đình sản nên nhiều người dân còn e ngại, lo sợ sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như tâm lý, sinh lý… khiến việc vận động gặp rất nhiều khó khăn. Bình thường, để vận động được một ca đình sản nữ mất thời gian khoảng 2 tháng, cán bộ, cộng tác viên dân số phải đến nhà đối tượng vận động 5 – 6 lần; có nhiều trường hợp, người vợ đồng ý nhưng chồng không chấp nhận thì cũng không vận động được. Bây giờ, nhận thức của người dân nâng lên rất nhiều, vận động dễ dàng hơn; cán bộ dân số, cộng tác viên dân số đến nhà động viên 1 - 2 lần là đối tượng nhất trí ngay”.

Trung Dũng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.