Multimedia Đọc Báo in

Vượt lên nghịch cảnh để khẳng định mình

09:27, 24/05/2018
Đến hẹn lại lên, các cựu học sinh của Trung tâm Hỗ trợ phát triển Giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh (sau đây gọi là Trung tâm) lại tề tựu về “mái nhà chung” để vui chơi cùng các em khuyết tật đang học tại đây nhân Ngày Người Khuyết tật Việt Nam (18-4) và để chia sẻ những buồn vui trên bước đường mưu sinh, hòa nhập cộng đồng.

Dưới sân Trung tâm, hai em Đào Anh Linh (SN 1987, ở thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk) và Huỳnh Minh Hòa (SN 1994, ở huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) cùng nhiều cựu học sinh khác đang hướng dẫn các em thiếu nhi khuyết tật tham gia các trò chơi vận động trong không khí rộn ràng vui tươi.

Số phận không may mắn khi ba anh chị em trong gia đình chỉ duy nhất mỗi mình Linh không nghe, không nói được. Năm 2001, gia đình gửi Linh vào học tại Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật Hy Vọng (năm 2008 đổi tên là Trung tâm Hỗ trợ phát triển Giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh). Năm 2006 Linh ra trường, rồi đi học nghề may. Nhờ sự “trợ giúp” của giáo viên Trung tâm, tôi biết Linh đang mở một tiệm may ở huyện Lắk, với thu nhập khoảng 9 triệu đồng/tháng. Dùng ngôn ngữ ký hiệu, Linh vui mừng khoe: “Em vui lắm khi có thể tự kiếm tiền để nuôi bản thân và phụ giúp bố mẹ. Năm nào em cũng về lại trường  thăm thầy cô, gặp gỡ bạn bè và các em cùng cảnh ngộ”.

Em Nguyễn Thị Hoài Phương (bìa phải) trò chuyện cùng các em học sinh của Trung tâm.
Em Nguyễn Thị Hoài Phương (bìa phải) trò chuyện cùng các em học sinh của Trung tâm.

Cũng như Linh, Huỳnh Minh Hòa bị khiếm thính từ nhỏ. Năm 2010, Hòa nhập học tại Trung tâm. Với bản tính lanh lợi, nhanh nhạy, sau khi học xong, Hòa được các thầy cô ở Trung tâm tạo điều kiện mở quán bán nước giải khát, rồi mở tiệm rửa xe gắn máy nên thu nhập khá ổn định. Không bằng lòng với công việc hiện tại, năm 2017 Hòa quyết định cùng với vài người bạn hùn vốn mở dịch vụ cho thuê phông rạp phục vụ đám cưới, liên hoan ở tỉnh Đắk Nông. Bằng ngôn ngữ ký hiệu, Hòa bày tỏ: “Công việc khá vất vả, nhưng vui lắm. Vui nhất là không phải phụ thuộc vào ai, mà có thể tự nuôi sống bản thân mình”.

Trong số những cựu học sinh khuyết tật về thăm lại Trung tâm đợt này, nổi trội hơn cả là Nguyễn Thị Hoài Phương (SN 1994, ở phường Thành Công, TP. Buôn Ma Thuột). Khi mới sinh ra, Phương bình thường như bao đứa trẻ khác, nhưng  khi gần 1 tuổi, sau một cơn sốt cao, Phương dần mất đi khả năng nghe, nói. Năm lên 6 tuổi, Phương được gia đình cho đi học ở Cơ sở nuôi dạy trẻ khuyết tật Vi Nhân. Năm 2003, Phương chuyển đến học tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển Giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh. Trong thời gian học ở đây, Phương là học sinh xuất sắc toàn diện. Hoàn thành chương trình học tập ở Trung tâm, Phương xin gia đình học nghề nail, sau đó thuyết phục bố mẹ mở một tiệm làm nail và bán các phụ kiện làm đẹp tại nhà, với thu nhập khoảng 6 triệu đồng/tháng.

Các cựu học sinh của Trung tâm chụp hình lưu niệm với thầy cô khi về tham lại trường cũ.
Các cựu học sinh của Trung tâm chụp hình lưu niệm với thầy cô khi về tham lại trường cũ.

Học sinh của Trung tâm Hỗ trợ phát triển Giáo dục hòa nhập tỉnh đến từ các tỉnh Gia Lai, Bình Định, Đắk Nông, Đắk Lắk…  Sau khi học xong khóa chuyên biệt, các em tốt nghiệp ra trường. Có em tiếp tục học hòa nhập, các em lớn tuổi muốn học nghề thì Trung tâm sẽ giới thiệu  đến những cơ sở dạy nghề trong tỉnh để học. “Hằng năm, các cựu học sinh về lại trường, thăm thầy cô và thông báo cho chúng tôi về công việc, khả năng hòa nhập với cộng đồng của mình. Thật hạnh phúc khi nghe có em khoe: Thu nhập hằng tháng của em cao hơn lương của cô giáo!”, cô Nguyễn Thị Tuyết Mai, Trưởng Phòng Hướng nghiệp và Công tác xã hội (Trung tâm Hỗ trợ phát triển Giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh) vui mừng cho biết.

Duy Tiến

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.