Đồng hành cùng sĩ tử "vượt vũ môn"
Tiếp sức cho thí sinh trong Kỳ thi THPT quốc gia 2018 – một cuộc “vượt vũ môn” quan trọng, không chỉ có sự chăm sóc, động viên của gia đình mà còn có cả sự quan tâm của xã hội thông qua nhiều hoạt động, chương trình thiết thực.
“Áo xanh” tiếp sức
Kỳ thi THPT quốc gia 2018 được tổ chức tại các địa phương nên rất thuận lợi cho thí sinh nhưng công tác tiếp sức mùa thi vẫn hết sức bận rộn. Tại các điểm thi ở huyện Ea H’leo, những ngày qua, dù nắng hay mưa, những chiến sĩ tình nguyện vẫn luôn túc trực để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Được biết, năm nay Chương trình “Tiếp sức mùa thi” của Huyện Đoàn đã thành lập 7 đội hình thanh niên tình nguyện, qua đó thực hiện nhiều hoạt động như: đưa đón thí sinh ngay tại những điểm thi; phát nước uống miễn phí, thông tin hướng dẫn; hỗ trợ thí sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; tổ chức tư vấn, trao đổi kinh nghiệm thi hiệu quả, tăng cường đội hình tình nguyện tại các khu vực nhạy cảm về an toàn giao thông, an ninh trật tự; phối hợp lực lượng chức năng ngăn chặn kịp thời các hiện tượng tiêu cực, lợi dụng thi cử để trục lợi, nâng giá, gây mất trật tự...
Trong suốt những ngày diễn ra Kỳ thi THPT quốc gia 2018, các tình nguyện viên của Đoàn phường Tự An (TP. Buôn Ma Thuột) đều có mặt trước 6 giờ sáng tại điểm thi Trường THPT Buôn Ma Thuột để chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất, cung cấp nước uống miễn phí và chỗ nghỉ cho người nhà thí sinh trong thời gian chờ, tổ chức lao động tình nguyện, dọn dẹp vệ sinh ngoài khu vực thi… Chị Nguyễn Thị Thu Trang, Phó Bí thư Đoàn phường cho hay, nhờ có sự chuẩn bị kỹ lưỡng mà trong buổi đầu tiên thi môn Văn, đội Tiếp sức mùa thi của phường đã giúp đỡ 2 trường hợp quên chứng minh nhân dân và giấy dự thi, kịp thời liên hệ với người nhà, giúp thí sinh tham gia thi suôn sẻ.
Thí sinh nhận cơm miễn phí của phật tử Chùa Khải Đoan . Ảnh: H. Gia |
Trường Đại học Tây Nguyên là một trong những điểm có đông thí sinh dự thi, đội hình Tiếp sức mùa thi ở đây cũng luôn túc trực để hỗ trợ các thí sinh từ những ngày đầu làm thủ tục cho đến khi các em hoàn thành bài thi. Tại mặt trận TN1 (cổng trước), các chiến sĩ tình nguyện phối hợp với đơn vị chức năng hướng dẫn thí sinh, phân luồng và điều tiết giao thông, bảo đảm không có bất kỳ sự cố nào xảy ra. Tại điểm tiếp sức TN2 (cổng sau), các bạn sinh viên tình nguyện không chỉ hỗ trợ thí sinh trong việc tìm phòng thi, mà còn giúp các bác bảo vệ giữ gìn trật tự, kiểm soát người lạ xâm nhập vào khu vực trường thi.
Những tấm lòng thơm thảo
Không chỉ có lực lượng thanh niên tình nguyện, Chương trình “Tiếp sức mùa thi” còn có sự đồng hành của nhiều tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh. Thường xuyên hỗ trợ các suất ăn miễn phí cho các thí sinh tham dự Kỳ thi THPT quốc gia tại tỉnh, gia đình phật tử Chùa Sắc tứ Khải Đoan năm nay hỗ trợ trên 650 phần cơm trưa cho các thí sinh và người nhà. Ông Bùi Tiến, thành viên gia đình phật tử chia sẻ: “Mỗi mùa thi đến, các thành viên của gia đình phật tử Chùa Sắc tứ Khải Đoan đều tham gia hỗ trợ cho các thí sinh. Với tấm lòng thiện nguyện, chúng tôi mong muốn chia sẻ khó khăn, giúp các em có bữa ăn ngon để thi cử đạt kết quả tốt”.
Lần thứ 3 tham gia Tiếp sức mùa thi, CLB Biker BMT đã phân công các thành viên túc trực tại các điểm thi trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, sẵn sàng hỗ trợ đưa đón thí sinh, người nhà thí sinh, giúp đỡ các tình nguyện viên các công việc cần thiết để bảo đảm cho kỳ thi diễn ra thuận lợi. Riêng tại điểm thi Trường Đại học Tây Nguyên, trong ngày đầu ra quân, các thành viên của CLB đã có 20 lượt hỗ trợ di chuyển cho các thí sinh.
Cô Nguyễn Thu Vượng nấu cơm cho các sĩ tử đang ở trọ tại nhà mình. Ảnh: B.Chi |
Năm nay, Ngân hàng Agribank chi nhánh Đại học Tây Nguyên hỗ trợ cho Chương trình “Tiếp sức mùa thi” của trường 10 triệu đồng để tổ chức các hoạt động. Chị Nguyễn Thị Phượng, Phó Giám đốc chi nhánh cho biết: “Chúng tôi hy vọng sẽ góp được phần nhỏ vào chương trình, qua đó giúp các thí sinh thoải mái, tự tin bước vào kỳ thi. Đây cũng là hoạt động thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp đối với cộng đồng”.
Những ngày này, gần chục phòng trọ tại số nhà 64, đường Bùi Huy Bích, phường Tự An (TP. Buôn Ma Thuột) của gia đình thầy giáo Phan Châu, giáo viên Trường THPT Dân tộc nội trú Nơ Trang Lơng trở nên đông đúc, nhộn nhịp bởi có thêm 30 sĩ tử đang ở trọ miễn phí để tham dự Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018.
Trước kỳ thi năm nay, thầy Châu đã thông báo rộng rãi cho các học sinh và phụ huynh có hoàn cảnh khó khăn, nhà xa, không có người thân đưa đi thi về gia đình mình ở trọ miễn phí để thuận tiện cho việc thi cử. Vào kỳ thi, do thầy Châu đi nhận nhiệm vụ coi thi ở huyện Ea Súp, nên vợ thầy là cô Nguyễn Thu Vượng đã trở thành người cha, người mẹ thứ hai của thí sinh, lo cho các em từ miếng ăn đến giấc ngủ.
Cô Vượng cho biết, mấy kỳ thi trước, gia đình đã có ý định cho thí sinh có hoàn cảnh khó khăn ở trọ miễn phí, nhưng lúc đó các phòng trọ lại đang kín người thuê nên chưa thể thực hiện được. Năm nay, do còn một số phòng trống nên vợ chồng bà đã mời những thí sinh có hoàn cảnh khó khăn, không có phụ huynh đi cùng về nhà ở để tiện việc đi lại, thi cử. “Trước đây, gia đình tôi cũng có con đi học, rồi đi thi ở xa nên cũng đã từng trải qua nhiều khó khăn, đặc biệt là vào những kỳ thi quan trọng. Giờ nhìn thấy các em học sinh khó khăn cũng như con mình ngày trước nên gia đình muốn giúp đỡ phần nào, để các em yên tâm thi đạt kết quả tốt nhất. Các em ngoan lắm nên tôi xem như con cái trong nhà mình vậy”, cô Vượng tâm sự.
Không chỉ chăm lo cho các thí sinh ở trọ miễn phí, vào mỗi buổi sáng sau khi bán xôi ở chợ trở về, cô Vượng lại tất bật nấu nướng lo bữa cơm cho các em. Sợ các em ăn ở hàng quán bên ngoài không đảm bảo nên cô tranh thủ thời gian đi chợ mua đồ ăn, rồi về nấu cho các em những bữa ăn đảm bảo dinh dưỡng và an toàn thực phẩm.
Đồng hành cùng con đến trường thi
Những ngày này, đồng hành cùng các thí sinh tham gia Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 không thể thiếu hình ảnh của những bậc làm cha, làm mẹ luôn túc trực ở cổng trường chờ con. Người đứng, người ngồi, nhưng đều có chung tâm trạng thấp thỏm lo âu, hướng ánh mắt về phía trường thi nơi có những đứa con thân yêu của họ.
Quyết định tạm gác lại việc nương rẫy, vợ chồng anh K’Sơ Niêm (xã Cư Pơng, huyện Krông Búk) cùng con trai khăn gói lên thành phố dự thi THPT quốc gia năm nay. Để tiết kiệm chi phí đi lại, ăn ở, hai vợ chồng anh quyết định thuê phòng trọ cho con ở một nhà nghỉ gần trường thi để tiện cho việc đi lại, còn hai vợ chồng đến ở nhờ nhà của người quen. “Đây là đứa đầu tiên đi thi THPT nên cả nhà vừa mừng vừa lo. Làm rẫy ngày nào cũng làm, con đi thi lần đầu nên cũng phải đi động viên để cho con vui”, anh K’Sơ Niêm bộc bạch.
Sinh viên tình nguyện tư vấn cho thí sinh tại điểm thi Trường Đại học Tây Nguyên. Ảnh: V.Anh |
Tại Hội đồng thi Trường THPT Lê Quý Đôn, có một người đàn ông với gương mặt khắc khổ tâm sự cùng những phụ huynh cùng ngồi đợi con thi ở quán cà phê gần trường: “Con gái tôi nó nhất quyết không cho ba đi cùng, nó nói ba mà đi con không thi được đâu. Nó sợ tôi lên ngồi đợi trời nắng nóng lại đổ bệnh, tôi bị bệnh cao huyết áp. Nhưng mình ở nhà cũng có yên tâm được đâu các ông bà nhỉ, khéo mà bệnh thêm ấy chứ”. Ông kể, nhà ông neo người, hai vợ chồng lấy nhau hơn 10 năm mới sinh được đứa con gái, nên ông dành tất cả tình yêu thương cho đứa con gái bé bỏng. Đợt thi này của con, vợ ông cũng muốn đi cùng nhưng bận phải đi dọn nhà cho người ta, còn ông cũng đóng tiệm sửa xe để lên trường động viên cho con thi. Khi tiếng trống báo hết giờ thi vang lên, ông tất tưởi đi về phía cổng trường tìm chỗ trống để đón con.
Con ở trong phòng thi lo một, cha mẹ ở ngoài lo mười, đó là tâm sự chung của những phụ huynh đưa con đi thi. Khi con thi xong, thấy con cười là họ yên tâm, dù kết quả có thế nào cũng thở phào nhẹ nhõm. Mặc cho nắng mưa nhưng vẫn không ngăn được tình cảm của những bậc làm cha, làm mẹ luôn túc trực trước cổng trường gửi gắm sự kỳ vọng trong hành trang chuẩn bị vào đời của các con.
Vân Anh - Bảo Chi - Thúy An
Ý kiến bạn đọc