Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Krông Năng: Gắn phát triển kinh tế với xây dựng hội vững mạnh
Thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ huyện Krông Năng đã triển khai nhiều mô hình, hoạt động có ý nghĩa thiết thực nhằm hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo...
Hội LHPN huyện Krông Năng hiện có 17.105 hội viên, sinh hoạt tại 206 chi hội. Theo Chủ tịch Hội LHPN huyện Phạm Thị On Ga, để giúp hội viên phát triển kinh tế, Hội đã triển khai nhiều hoạt động như: thành lập các tổ, nhóm hỗ trợ vay vốn, vận động hội viên giúp nhau ngày công lao động, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, thực hành tiết kiệm... Tính đến nay, các cấp Hội trong huyện đã tín chấp với các ngân hàng giải ngân gần 124 tỷ đồng, giúp cho 5.040 lượt hội viên, phụ nữ vay vốn phát triển sản xuất. Ngoài ra, Hội còn thực hiện tiết kiệm với mô hình “Nuôi heo đất”, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2018 thu được trên 25 triệu đồng, hỗ trợ cho 20 phụ nữ vay vốn; mô hình “Hũ gạo tình thương” thu được 215 kg, tặng cho 10 phụ nữ nghèo; vận động các mạnh thường quân ủng hộ trên 250 triệu đồng để xây dựng 2 căn nhà Mái ấm tình thương tặng phụ nữ nghèo. Từ sự hỗ trợ cả về vật chất lẫn tinh thần, nhiều hội viên có thêm điều kiện để đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.
Đại diện Hội LHPN nữ huyện Krông Năng cùng chính quyền địa phương trao nhà Mái ấm tình thương” tặng gia đình một phụ nữ nghèo trên địa bàn huyện. |
Đơn cử như mô hình chế biến cà phê sạch của chị Phan Thị Hồng Nhi (SN 1983, tổ dân phố 5, thị trấn Krông Năng). Năm 2014, có một ít vốn tích cóp được cùng sự hỗ trợ từ gia đình cộng thêm 10 triệu đồng Hội LHPN huyện hỗ trợ vay vốn không lãi suất, chị Nhi mở cơ sở sản xuất cà phê sạch gắn với tên một dòng sông ở huyện Krông Năng - H’Năng Coffee. Theo chị Nhi, để tìm được chỗ đứng trên thị trường, thời gian đầu, cơ sở của chị chỉ gửi bán ở những quán cà phê quen để khách hàng thử nghiệm. Hơn nữa, chị luôn chọn mua những hạt cà phê bảo đảm chất lượng với giá thành cao hơn thị trường. Sau khi mua về, chị thuê nhân công nhặt hạt xấu, hư hỏng, sau đó đem vào máy đánh bóng trước khi đưa vào lò rang xay, đóng gói. “Tiếng lành đồn xa”, ngày càng có nhiều cá nhân và quán cà phê tìm đến đặt hàng tại cơ sở của chị. Trung bình mỗi tháng, cơ sở bán ra thị trường 4 tạ cà phê bột, cho thu nhập hằng năm trên 200 triệu đồng. Chị Nhi cho biết: “Bây giờ khách hàng rất thích nông sản sạch. Mình cứ làm cà phê sạch thật nghiêm túc, tìm đối tác để bán trực tiếp chứ không qua khâu trung gian và chủ yếu “lấy công làm lời” nên người mua sẽ mua được hàng tốt còn mình cũng bán được với giá tốt”.
Chủ tịch Hội LHPN huyện Krông Năng Phạm Thị On Ga
|
Tương tự, trước đây gia đình chị Lê Thị Hồng Trang (SN 1968, thôn Xuân An, xã Phú Xuân) chủ yếu làm nghề mua bán nông sản, thu nhập bấp bênh. Năm 2014, nhận thấy trên địa bàn xã còn thiếu dịch vụ nấu ăn, cho thuê rạp cưới nên từ số vốn tích cóp được cùng vay mượn từ người thân, bạn bè và Hội LHPN huyện đứng ra tín chấp ngân hàng, chị quyết định kinh doanh dịch vụ rạp cưới. Ban đầu, với số vốn ít ỏi nên chỉ phục vụ những bữa tiệc nhỏ, chủ yếu trong xã. Đến khi có thêm vốn chị mở rộng quy mô kinh doanh, nhận đặt tiệc trong và ngoài huyện, thậm chí đi cả tỉnh ngoài. Hiện nay, dịch vụ tiệc cưới của gia đình chị có thể phục vụ cho gần 1.000 khách, tạo công ăn việc làm cho 10-15 lao động là hội viên, phụ nữ trong thôn với mức thu nhập khá. Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Phú Xuân Nguyễn Thị Quỳnh Anh cho biết: “Chị Trang không chỉ là tấm gương phụ nữ sản xuất kinh doanh giỏi mà còn là Chi hội trưởng chi hội phụ nữ thôn nhiệt tình, tích cực tham gia các phong trào của địa phương, đặc biệt là chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Năm 2017, gia đình chị đóng góp 35 triệu đồng để xây dựng công trình đường giao thông nông thôn. Chị cũng là người đứng ra thành lập tổ góp vốn sản xuất, với sự tham gia của 20 thành viên, tổng số vốn hơn 60 triệu đồng cho vay xoay vòng 20 triệu đồng/người/năm”.
Chị Phan Thị Hồng Nhi giới thiệu về thương hiệu H’Năng Coffee do cơ sở của chị sản xuất. |
Bên cạnh hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, các cấp Hội Phụ nữ huyện còn đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do cấp trên và địa phương tổ chức nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của mỗi cán bộ, hội viên phụ nữ. Trong đó, nổi bật là các phong trào: “Phụ nữ tích cực lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Phụ nữ làm theo lời Bác, thực hành tiết kiệm giúp nhau giảm nghèo bền vững”, cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”… Ngoài ra, Hội cũng thường xuyên phối hợp với các ngành tuyên truyền Luật Nghĩa vụ quân sự trong thanh niên, bà mẹ có con từ 18-25 tuổi; vận động thanh niên đăng ký khám sức khỏe phục vụ công tác tuyển quân; đồng thời cử cán bộ trực tiếp xuống cơ sở tiếp xúc, nắm bắt tâm tư nguyện vọng và tặng quà để thanh niên yên tâm lên đường tòng quân.
Thế Hùng
Ý kiến bạn đọc