Multimedia Đọc Báo in

Hương vị rừng ven quốc lộ

07:34, 02/06/2018

Dọc Quốc lộ 14 đoạn ngang qua xã Cuôr Đăng (huyện Cư M’gar) vào mùa này thường có nhiều người dân ở các thôn buôn mang đặc sản cây nhà lá vườn ra bày bán.

Hơn 4 năm nay, cứ mỗi dịp hè đến là Amí Eăr, trú tại buôn Kroa B (xã Cuôr Đăng) lại thu xếp việc nương rẫy để ra lề đường bán trái cây, chủ yếu là những loại trái cây mọc tự nhiên như xoài rừng, chôm chôm rừng, vải rừng, dâu da… Amí Eăr cho hay: “Tôi bắt đầu bán trái cây ngoài này từ năm 2011, ban đầu cũng có chút ngần ngại do chưa quen nhưng thấy khách đi đường mua nhiều thì lại vui. Trước đây các amí, ama thường gùi hàng lên chợ nhưng chỉ bán được buổi sáng khi chợ đông thôi, còn ngồi ngoài này vừa bán được cả ngày vừa được giá hơn”.

Một điểm bán trái cây ven Quốc lộ 14, đoạn qua xã Cuôr Đăng.
Một điểm bán trái cây ven Quốc lộ 14, đoạn qua xã Cuôr Đăng.

Ban đầu dọc tuyến đường này chỉ có vài người gùi hàng ra bán, về sau thấy khách mua đông nên nhiều chị em trong buôn cũng tham gia. Phần lớn số trái cây này đều do người dân trồng trên rẫy hoặc trong vườn nhà, ăn không hết thì mang bán bớt, một phần do các chị mua gom của người dân trong buôn rồi ra bỏ sỉ lại. Trái cây sinh trưởng tự nhiên, có vị chua chua ngọt ngọt, hương thơm đặc trưng và màu sắc bắt mắt nên rất hút khách qua lại. Chịu khó ngồi bán như Amí Eăr, trung bình mỗi ngày bán được khoảng 20 kg dâu da và chôm chôm rừng, tới mùa bơ và sầu riêng thì bán được nhiều hơn, kiếm lời khoảng 100 - 200 nghìn đồng/ngày. Giá cả của các loại trái cây rừng cũng khá “mềm”, dao động từ 15 - 20 nghìn đồng/kg, thời điểm cuối mùa có khi lên đến 30 nghìn đồng/kg. Chị Lê Phương ngụ tại TP. Buôn Ma Thuột cho biết: “Hồi nhỏ tôi sống trong buôn làng của người Êđê nên rất mê mấy món này. Hễ mỗi lần nhìn thấy chôm chôm rừng, vải rừng lại gợi nhớ về tuổi thơ của tôi cùng lũ bạn, bởi thế cứ có dịp đi ngang qua Quốc lộ 14 tôi lại tạt vào tìm mua những loại trái cây này, vừa yên tâm về an toàn thực phẩm, vừa như được trở lại tuổi thơ...”.

Khách đi đường ghé mua trái cây rừng tại buôn Kroa B, xãCuôr Đăng.
Khách đi đường ghé mua trái cây rừng tại buôn Kroa B, xãCuôr Đăng.

Còn anh Nguyễn Sơn (khách du lịch đến từ Hà Nội) cho hay: “Tôi tình cờ biết đến chôm chôm rừng ruột vàng vào năm ngoái khi cùng đoàn du lịch ngang qua Quốc lộ 14 và lập tức mê vị thơm cũng như vị chua đặc trưng của loại trái cây dân dã này. Năm nay trở lại Buôn Ma Thuột đúng mùa rộ trái cây rừng tôi lại mua hẳn chục ký để ngâm đường làm si-rô.”

 Ngoài bán trái cây rừng, bà con ở đây còn bán thêm các loại rau rừng tùy theo mùa như: măng, rau chát, rau dớn, dương sỉ, cà đắng… Việc mưu sinh bằng nghề bán trái cây rừng ven Quốc lộ 14 của các chị em người Êđê vừa giúp họ kiếm thêm thu nhập, vừa là cơ hội giới thiệu đặc sản cây trái Tây Nguyên đến du khách phương xa.

Djuang Niê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.