Multimedia Đọc Báo in

Những cán bộ truyền thanh cơ sở tận tâm, yêu nghề

09:20, 21/06/2018

Để có được những khung giờ phát thanh đều đặn hằng ngày với thông tin cần thiết, bổ ích và thời sự của địa phương, những cán bộ làm công tác truyền thanh ở các phường, xã  - mà nhiều người thường gọi là  “cán bộ báo nói”  vẫn tận tụy, tâm huyết với nghề mặc dù mức phụ cấp hằng tháng ít ỏi.

Bén duyên với công tác phát thanh từ khi còn hệ thống loa có dây với mức thù lao 20 nghìn đồng/buổi, đến nay đã gần 20 năm chị Đoàn Thị Trang Đài – cán bộ đài truyền thanh phường Ea Tam (TP. Buôn Ma Thuột) vẫn hằng ngày có mặt tại UBND phường vừa viết, vừa biên tập, đọc phát thanh và kiêm luôn thợ kỹ thuật.

Vốn không học chuyên ngành liên quan tới báo chí nên khi viết tin bài chị Đài gặp không ít khó khăn. Những ngày đầu, cơ sở vật chất của đài còn thiếu thốn mà công việc phát thanh phải bảo đảm thường xuyên liên tục, kể cả ngày lễ, Tết. Ngày nghỉ cuối tuần chị  phải tự tìm hiểu cách viết tin thế nào cho ngắn gọn nhưng phải đầy đủ thông tin để người dân dễ nghe, dễ hiểu. Không những thế, công việc của một cán bộ đài cũng có rất nhiều việc không tên. Các buổi giao ban, hội họp đều phải có mặt để đưa tin. Khi có công văn khẩn cần tuyên truyền ngay cho người dân biết, dù có bận việc gì cũng phải gác lại để lên phường đọc thông báo. Có những khi đang phát thì các cụm loa gặp sự cố, người dân gọi điện tới than phiền vì loa rè quá gây ồn ào… Những lúc như vậy phải ngay lập tức thao tác mở máy và tắt máy lại mấy lần mới hết được.

Chị Đoàn Thị Trang Đài  có gần 20 năm  gắn bó với đài truyền thanh  phường Ea Tam,  TP. Buôn  Ma Thuột .
Chị Đoàn Thị Trang Đài có gần 20 năm gắn bó với đài truyền thanh phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột.

Mặc dù phụ cấp cũng như điều kiện làm việc còn nhiều thiếu thốn, nhưng với trách nhiệm là cán bộ truyền thanh, chị Đài phải đảm nhận tất cả các công việc như: kiểm tra máy truyền thanh, các cụm loa, đọc chương trình, dẫn chương trình cho các buổi hội họp của phường. Nhưng với sự nhạy bén linh hoạt, giọng nói truyền cảm và hơn hết là tình yêu với công việc, chị Đài đã đem đến cho người dân địa phương những buổi phát thanh đầy tính chuyên nghiệp từ giọng đọc đến nội dung tin bài. Những thông tin quan trọng của địa phương đến được với người dân nhanh chóng, hiệu quả. Hằng tuần không kể nắng, mưa, gió, bão, Đài truyền thanh phường Ea Tam luôn đảm bảo tiếp âm, tiếp sóng đầy đủ các chương trình phát thanh theo quy định. Ngoài việc tiếp âm các chương trình của Đài cấp trên, mỗi tuần Đài truyền thanh phường còn xây dựng từ 3 - 5 chương trình, mỗi chương trình có thời lượng 20 - 25 phút với nội dung phong phú, đa dạng, phản ánh nhiều hoạt động diễn ra tại địa phương như những bài viết nêu gương tập thể, cá nhân điển hình thực hiện tốt các phong trào thi đua hay các cuộc vận động, từ đó nhân rộng trên toàn địa bàn.

Chị Đài tâm sự: “Công việc của một người làm đài truyền thanh cơ sở rất vất vả và mang tính đặc thù, khi mình đến nơi làm việc thì mọi người lại chuẩn bị ra về, khi mình hoàn thành công việc trở về thì mọi người mới đến cơ quan bắt đầu một ngày làm việc. Có lúc chất lượng loa đài không tốt, mình ngồi trong phòng nói khản cả cổ mà bên ngoài người dân không nghe được là buồn lắm. Nếu không tâm huyết, không yêu nghề thì khó có thể trụ vững. Bên cạnh đó cũng phải có kinh nghiệm để Đài truyền thanh phường thực sự là cầu nối giữa Đảng với nhân dân". Niềm vui lớn nhất của chị là được nhân dân yêu mến, được nhận những phản hồi tích cực mỗi khi một chương trình phát thanh đã lên sóng, cùng với đó là sự quan tâm của người dân, như những lần Đài không hoạt động vì lý do khách quan, gặp chị ai cũng hỏi: “Sao loa bữa nay không thấy nói, không có loa nghe cũng nhớ!”.

Với chất giọng miền Nam trầm ấm, dễ nghe, ông Nguyễn Văn Minh, cán bộ truyền thanh cơ sở xã Bình Thuận (TX. Buôn Hồ) được người dân nơi đây gọi bằng cái tên trìu mến: ông Minh Nam Bộ.

Đầu những năm 2000, ông Minh bắt đầu phụ trách công tác truyền thanh cơ sở khi đã bước qua cái tuổi 40. Những năm trước, đài truyền thanh xã chỉ có nhiệm vụ tiếp phát các chương trình của đài cấp trên; máy móc đơn giản chỉ có chiếc cassette, máy tăng âm, vài cái loa được mắc tại trung tâm xã. Dù tuổi không còn trẻ nhưng với tinh thần ham học hỏi, vừa học vừa làm, ông Minh tích cực tham gia các lớp tập huấn do Sở Thông tin - Truyền thông tổ chức. Đến nay, ông đã vận hành nhuần nhuyễn các loại máy phát sóng, máy tăng âm, máy vi tính để thu đọc chương trình, quản lý 18 cụm loa trong toàn xã. Ngoài việc tiếp sóng, tiếp âm các đài Trung ương, tỉnh, thị xã…, ông còn thường xuyên viết thông tin phản ánh về các hoạt động của Đảng ủy, HĐND, UBND xã; tình hình an ninh trật tự; những thông báo cần thiết đến với người dân, các chính sách mới, đặc biệt là biểu dương kịp thời gương người tốt, việc tốt về chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Gần 20 năm gắn bó với nghề, hầu như chưa ngày nào ông Minh trễ giờ phát sóng truyền thanh, các thông tin tuyên truyền bổ ích luôn được truyền tải kịp thời đến đông đảo nhân dân, được người dân đánh giá cao.

Anh Dương Văn Phong, cán bộ phụ trách  truyền thanh phường Đoàn Kết (TX. Buôn Hồ)  vận hành máy phát sóng.
Anh Dương Văn Phong, cán bộ phụ trách truyền thanh phường Đoàn Kết (TX. Buôn Hồ) vận hành máy phát sóng.

Trong những năm qua, phong trào văn hóa - văn nghệ, thể dục thể thao, xây dựng đời sống văn hóa ở phường Đoàn Kết (TX. Buôn Hồ) luôn diễn ra sôi nổi, đạt chất lượng cao. Kết quả ấy có sự đóng góp không nhỏ của anh Dương Văn Phong, cán bộ văn hóa kiêm phụ trách truyền thanh cơ sở phường.

Mặc dù chỉ là công việc kiêm nhiệm phải tranh thủ thời gian không kể ngày lễ, ngày nghỉ, không được đào tạo chuyên môn bài bản nhưng với tinh thần ham học hỏi, cầu thị nên gần 10 năm gắn bó với công việc, việc vận hành hệ thống loa phát thanh luôn được anh Phong đảm bảo tốt. Không chỉ tiếp phát sóng đúng thời gian, anh còn tự mày mò học hỏi tải các phầm mềm xử lý hậu kỳ, học qua sách báo về kết cấu viết tin bài để có thể phát sóng những thông tin phản ánh về các hoạt động sản xuất, phát triển kinh tế gắn với tình hình thực tế tại địa phương; đồng thời kịp thời phối hợp với đài cấp trên sửa chữa mỗi khi máy móc, loa đài hỏng hóc để bản tin được chuyển tải đến người dân được trọn vẹn. Niềm vui lớn nhất của anh là được nhân dân yêu mến, được nhận những phản hồi mỗi khi chương trình phát thanh lên sóng. Đây cũng là động lực để anh tiếp tục phấn đấu, gắn bó với công việc “cầu nối thông tin” đến cho người dân.

Đa số những người làm công tác phát thanh ở phường, xã đều không được đào tạo bài bản chuyên ngành báo chí nhưng với trách nhiệm và niềm đam mê, họ vẫn tận tâm với công việc để nối dài thêm “cánh sóng phát thanh” tới mọi miền quê.

Thúy An - Ninh Trang


Ý kiến bạn đọc