Những ngôi nhà chung của trẻ em khuyết tật
Công tác giáo dục cho trẻ khuyết tật được nhiều đơn vị, tổ chức chăm lo, tạo điều kiện cho các em học hành, rèn luyện để có cơ hội hòa nhập cộng đồng.
Hơn 20 năm qua, cơ sở chăm sóc trẻ em khuyết tật Vi Nhân (TP. Buôn Ma Thuột) đã trở thành ngôi nhà chung của nhiều trẻ em khiếm thị, khiếm thính, tự kỷ… đến từ nhiều tỉnh, thành khác nhau. Hiện cơ sở đang nuôi dưỡng, giáo dục 156 em khuyết tật từ 3 đến 18 tuổi, theo học từ mẫu giáo đến lớp 10. Với mong muốn sau này các em sẽ tự chăm lo cho cuộc sống, không phải phụ thuộc vào người thân và xã hội, ngoài việc dạy đọc, làm toán thì cơ sở còn chú trọng rèn luyện kỹ năng sống cho các em. Gần 100 trẻ khuyết tật ở nội trú đều được hướng dẫn, chỉ dạy làm những công việc hằng ngày như vệ sinh cá nhân, sáng dậy quét nhà, tối mắc màn đi ngủ, dọn dẹp phòng ở. Bên cạnh đó, cơ sở cũng mở các lớp hướng nghiệp như may mặc, làm tranh thủ công mỹ nghệ, massage, bấm huyệt, xông hơi… để khi ra đời các em có thể tự kiếm việc lo cho bản thân.
Em Hồ Thị Ái Vy (14 tuổi) bị khiếm thị đến từ tỉnh Đắk Nông đã gắn bó với cơ sở được 2 năm. Được sống trong môi trường đầy tình yêu thương, từ một đứa trẻ nhút nhát, ít nói Vy đã tự tin hơn rất nhiều và trở thành một trong những học sinh tiêu biểu của cơ sở về thành tích học tập. Vy ước sau này sẽ trở thành một giáo viên dạy chữ và chăm sóc cho trẻ em khuyết tật như mình.
Một tiết học chữ nổi của trẻ khiếm thị ở cơ sở chăm sóc trẻ em khuyết tật Vi Nhân. |
Cũng đã có nhiều em đã trưởng thành, ra trường và hòa nhập tốt với cộng đồng, thi đậu vào các trường đại học, cao đẳng; tìm được cho mình một công việc ổn định và xây dựng gia đình hạnh phúc. Đơn cử như thầy Lê Hoàng Gia Hưng, vốn là một học sinh khiếm thị từng được nuôi dưỡng, học tập tại cơ sở. Sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng chuyên ngành Âm nhạc ở Đắk Lắk, thầy Hưng xin trở về mái trường xưa để dạy đàn và thanh nhạc cho các em khiếm thị. Hiện nay, thầy đã có một mái ấm gia đình với người vợ đảm đang và cậu con trai học lớp 3.
Không chỉ là nơi cưu mang, nuôi dưỡng những mảnh đời bất hạnh trong xã hội, các trung tâm, cơ sở còn là nơi gieo mầm ước mơ cho nhiều thế hệ học trò là trẻ khuyết tật, mồ côi, lang thang, cơ nhỡ. Đã có nhiều em trưởng thành, ra trường và hòa nhập tốt với cộng đồng, thi đậu vào các trường đại học, cao đẳng; tìm được cho mình một công việc ổn định và xây dựng gia đình hạnh phúc. |
Không chỉ là nơi cưu mang, nuôi dưỡng những mảnh đời bất hạnh trong xã hội, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh (tiền thân là Trại xã hội Hòa Đông) còn là nơi gieo mầm ước mơ cho nhiều thế hệ học trò là trẻ khuyết tật, mồ côi, lang thang, cơ nhỡ. Phần lớn các em đang trong giai đoạn hình thành nhân cách, tâm sinh lý diễn biến phức tạp thậm chí nhiều em còn có tâm lý chán nản, ương bướng. Hiểu được tâm lý đó, cán bộ, nhân viên tại Trung tâm luôn gần gũi, quan tâm, chia sẻ từ những việc nhỏ nhất để các em tin tưởng, gắn bó. Các em trong độ tuổi đều được Trung tâm tạo mọi điều kiện để đến trường. Trung tâm cũng thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, sinh hoạt hè tạo cơ hội cho các em gặp gỡ, vui chơi để tự tin, cởi mở hơn trong giao tiếp với những người xung quanh. Việc học kết hợp với vui chơi đã giúp các em học hành tiến bộ. Hằng năm có khoảng 20 - 25 em trưởng thành, hòa nhập cộng đồng.
Một lớp học của trẻ tự kỷ ở cơ sở chăm sóc trẻ em khuyết tật Vi Nhân. |
Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh (phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột) được thành lập năm 1998 với nhiệm vụ chính là giáo dục, can thiệp sớm, tư vấn nhằm hỗ trợ trẻ khuyết tật sớm hòa nhập cộng đồng. Mỗi năm, Trung tâm đều nhận nuôi dạy trên 100 em khuyết tật không có khả năng học hòa nhập. Bên cạnh truyền đạt những kiến thức cơ bản cho học sinh, Trung tâm còn chú trọng đến việc giáo dục đạo đức và kỹ năng sống cho trẻ khuyết tật. Nhờ vậy, đến cuối năm học có từ 20 - 30 trẻ có đủ điều kiện ra học hòa nhập.
Ngoài ra, Trung tâm còn phối hợp với các phòng giáo dục – đào tạo và các cơ sở giáo dục tham gia hỗ trợ giáo dục hòa nhập tại các trường mẫu giáo, tiểu học, trung học; can thiệp sớm cho nhiều trẻ ở các dạng tật khác nhau.
Có thể thấy, bằng những việc làm cụ thể, hỗ trợ thiết thực trong công tác giáo dục trẻ em khuyết tật, 3 cơ sở, trung tâm nói trên đã giúp cho các em có cơ hội tái hòa nhập cộng đồng, phát triển toàn diện cả về vật chất lẫn tinh thần để trở thành những công dân có ích cho xã hội.
Tuyết Mai
Ý kiến bạn đọc