Multimedia Đọc Báo in

Nơi "tái sinh" những mảnh đời lầm lỡ

08:42, 27/06/2018

Cơ sở điều trị, cai nghiện ma túy tỉnh (thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) - đóng ở địa bàn thôn 4 (xã Tân Tiến, huyện Krông Pắc) được xem như “mái nhà chung” cho những người lỡ sa chân vào con đường nghiện ma túy, giúp nhiều người nghiện được “tái sinh” để trở về hòa nhập với cộng đồng.

Cơ sở điều trị, cai nghiện ma túy tỉnh (gọi tắt là Cơ sở) được thành lập trên cơ sở tổ chức lại Trung tâm Giáo dục lao động xã hội tỉnh, có nhiệm vụ tiếp nhận, phân loại, quản lý chăm sóc, tư vấn điều trị, cắt cơn, giải độc, giáo dục thay đổi hành vi nhân cách, giáo dục lao động trị liệu, dạy nghề, tư vấn hỗ trợ hòa nhập cộng đồng, phòng - chống tái nghiện cho người nghiện ma túy trong và ngoài tỉnh. Cơ sở hiện có 373 học viên; trong đó, cai nghiện bắt buộc 302 người, cai nghiện tự nguyện 56 người và 15 học viên thuộc đối tượng xã hội (đối tượng không nơi cư trú do các đơn vị tạm gửi).

Ông Võ Phú Hùng, Giám đốc Cơ sở cho biết: “Học viên sau khi tiếp nhận vào Cơ sở sẽ được điều trị ban đầu theo phác đồ của Bộ Y tế. Sau thời gian 25-30 ngày, học viên ổn định về tâm - sinh lý sẽ được phân về các tổ, đội phù hợp với tình hình sức khỏe, trình độ nhận thức, trình độ văn hóa. Từ đó, cán bộ phụ trách xây dựng kế hoạch để tư vấn, giáo dục thay đổi hành vi, giáo dục nội quy, quy chế của Cơ sở, phổ biến kiến thức pháp luật và xây dựng ý chí quyết tâm cai nghiện. Mọi sinh hoạt của cán bộ và học viên đều được thực hiện theo nguyên tắc “cảm thông, chia sẻ” nhằm tạo sự gần gũi, giúp học viên bớt mặc cảm, tự ti”.

Học viên tại Cơ sở điều trị, cai nghiện ma túy tỉnh  học nghề đan ghế nhựa.
Học viên tại Cơ sở điều trị, cai nghiện ma túy tỉnh học nghề đan ghế nhựa.

Hiện nay, số lượt học viên tiếp nhận vào Cơ sở ngày càng tăng, đa số học viên sử dụng ma túy tổng hợp (ma túy đá) gây khó khăn cho công tác quản lý; trong khi đó, đội ngũ cán bộ làm nhiệm vụ quản lý, giáo dục đối tượng còn thiếu; một số hạng mục công trình xây dựng từ năm 1996 bị xuống cấp nghiêm trọng... Tuy vậy, những năm qua cán bộ, giáo viên đã khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ, qua đó giúp nhiều mảnh đời lỡ bước chân vào con đường nghiện ngập trở về cuộc sống bình thường.

Đơn cử như trường hợp của anh Nguyễn Quốc H. (trú phường Tự An, TP. Buôn Ma Thuột), do tuổi trẻ bồng bột đã nghiện ma túy nặng. Đầu năm 2015, anh H. được đưa đi cai nghiện 12 tháng nhưng sau khi trở về lại tái nghiện khiến cuộc sống gia đình lâm vào bế tắc. Năm 2016, gia đình và chính quyền địa phương tiếp tục đưa anh quay trở lại Cơ sở cai nghiện. Lần này, sau khi nghe tư vấn của cán bộ cùng với sự giúp đỡ của những học viên, đặc biệt là sự động viên của người vợ trẻ, anh H. quyết tâm đoạn tuyệt với ma túy. Sau khi trở về địa phương, anh H. vay vốn mở cơ sở chăm sóc, mua - bán hoa lan. Hiện anh có gia đình hạnh phúc, cơ sở hoa lan của anh ngày càng thu hút khách hàng. Anh H. nhận thức rất rõ rằng hãy tránh xa ma túy bởi một khi lệ thuộc vào nó sẽ mất hết tương lai. Muốn vậy, hãy tạo dựng cho mình các mối quan hệ an toàn, gần gũi người tốt, xác định điểm dựa an toàn nhất chính là gia đình.

Tương tự, anh Đinh Hoàng T. (trú xã Ea Na, huyện Krông Ana) từng có thời gian dài chìm đắm trong “làn khói trắng”, mãi không thoát ra được. Năm 2015, anh được đưa vào Cơ sở cai nghiện. Nhờ được cán bộ gần gũi tư vấn, giúp cai nghiện thành công, lại được học nghề chăm sóc cây công nghiệp dài ngày xen canh cây ăn quả nên khi trở về địa phương, anh bắt tay vào phát triển kinh tế gia đình. Hiện nay, anh không những có thu nhập ổn định từ vườn cà phê xen canh cây ăn quả mà còn rất tích cực tham gia các hoạt động xã hội, là một đoàn viên năng nổ, nhiệt tình trong công tác Đoàn tại địa phương...

Học viên tại Cơ sở điều trị, cai nghiện ma túy tỉnh chăm sóc cây cảnh
Học viên tại Cơ sở điều trị, cai nghiện ma túy tỉnh chăm sóc cây cảnh.

Trong những năm qua, Cơ sở không những giúp học viên điều trị cắt cơn, đoạn tuyệt với ma túy mà còn tạo điều kiện tham gia các lớp học nghề phù hợp với khả năng của mình như: may mặc, mây tre đan, trồng trọt, chăn nuôi... Sau khi kết thúc khóa học, học viên được cấp chứng chỉ nghề để sau này trở về địa phương có thể dễ dàng hòa nhập với cộng đồng. Mỗi học viên khi tham gia lao động đều được hưởng chế độ từ mỗi sản phẩm do mình làm ra để từ đó thấy được mình thực sự là người có ích, có giá trị…

Theo ông Võ Phú Hùng, thời gian qua, mặc dù các cơ quan chức năng đã tăng cường phổ biến về tác hại của ma túy, nhưng vẫn có không ít người, đặc biệt là giới trẻ còn rất mơ hồ về sự nguy hại của ma túy, coi đó đơn thuần chỉ là chất kích thích, có thể dùng như một trò chơi vô hại. Từ thực tế đáng lo ngại này, việc bảo vệ thế hệ trẻ trước làn sóng tấn công của các loại ma túy trở thành một nhiệm vụ cấp thiết hơn bao giờ hết, cần có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự chung tay của cộng đồng.

Thế Hùng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.