Multimedia Đọc Báo in

"Ánh sáng" của người khiếm thị

08:32, 08/07/2018

Những năm qua, Hội Người mù huyện Krông Búk đã có nhiều hoạt động thiết thực giúp đỡ hội viên có cuộc sống ổn định, tự tin vươn lên hòa nhập với cộng đồng.

Tham gia buổi bế giảng lớp học chữ braille (chữ nổi) đầu tiên cho các hội viên do Hội Người mù huyện Krông Búk tổ chức sau 3 tháng giảng dạy, chúng tôi mới cảm nhận được niềm vui, sự đam mê, khao khát của người mù khi được tiếp xúc với con chữ. Học viên của lớp ai cũng đã lớn tuổi nên việc học chữ gặp rất nhiều khó khăn, nhưng ai cũng hào hứng và chăm chỉ để hoàn thành khóa học. Với những người mù, học chữ không chỉ để thuận lợi cho công việc của mình mà quan trọng là để tiếp cận với những kiến thức, với những cái mới, cái hay. Như trường hợp anh Võ Văn An (sinh năm 1985, trú tại thôn 3, xã Tân Lập) bị mù cả hai mắt từ nhỏ, được đi học, biết được con chữ là mơ ước của anh từ nhỏ, nhưng đến giờ mới thành hiện thực. Sau 3 tháng học chữ nổi, anh An đã đọc và viết được, mặc dù còn chậm. Để không quên con chữ, hằng ngày khi đi bán vé số, anh thường nhờ người đọc giúp các số seri rồi tự mình ghi chép lại để cuối ngày kiểm tra. Trong sự phấn khởi khi biết đọc, biết viết rồi vận dụng vào công việc của mình, anh An vui mừng chia sẻ, từ ngày biết được con chữ, anh tự tin hơn hẳn, không còn sợ không có tri thức nữa khi anh có cơ hội tiếp cận những cuốn sách viết bằng chữ nổi braille dành cho người mù để mở mang kiến thức.

Chị Nguyễn Thị Hương – Chủ tịch Hội Người mù huyện Krông Búk ôn tập chữ nổi cho 2 hội viên.
Chị Nguyễn Thị Hương – Chủ tịch Hội Người mù huyện Krông Búk ôn tập chữ nổi cho 2 hội viên.

Có lẽ may mắn hơn anh An một chút khi chị Nguyễn Thị Hương đã được nhìn thấy ánh sáng trước khi phải sống với bóng tối cả đời. Năm 3 tuổi, chị bị căn bệnh sởi quái ác làm hỏng cả 2 mắt khiến chị chỉ còn thấy mờ mờ. Gia đình không có điều kiện chữa chạy, đến năm 13 tuổi thì chị mù hẳn. Chị Hương chia sẻ, với một tuổi thơ chưa trọn vẹn, chị luôn khao khát được đi học, được giao lưu với bạn bè, nung nấu ước mơ có được công việc gì đó tự nuôi sống bản thân mà không phải phụ thuộc gia đình khi đó đã quá khó khăn. Để thực hiện ước mơ của mình, chị bắt đầu học chữ nổi từ năm 14 tuổi, đầu tiên là ở các lớp do Tỉnh hội tổ chức. Sau đó chị tiếp tục học thêm các lớp nâng cao ở Hà Nội, Đà Nẵng. Đền đáp cho những nỗ lực của chị là thành quả ngọt ngào khi năm 2008 chị được tham gia vào Ban Chấp hành Hội Người mù huyện Krông Búk, sau đó được bầu giữ chức Phó Chủ tịch hội. Vinh dự hơn khi mới đây, trong Đại hội bầu Ban Chấp hành mới của Hội vào ngày 18-5, chị Hương được tín nhiệm giữ chức Chủ tịch Hội Người mù huyện Krông Búk nhiệm kỳ 4 (2018-2023).

Ngoài việc tạo điều kiện cho hội viên học chữ nổi, Hội Người mù huyện còn tìm những việc làm đơn giản, phù hợp với khả năng và điều kiện kinh tế của từng hộ gia đình hội viên để giúp họ tham gia lao động sản xuất như: giới thiệu họ vào các cơ sở sản xuất, đóng gói tăm tre, tạo điều kiện cho hội viên học nghề xoa bóp... Qua đó đã giới thiệu được cho 5 hội viên đi làm mát xa tại các cơ sở trong tỉnh có thu nhập ổn định từ 3 triệu đồng trở lên. Bên cạnh đó, để chăm lo cho hội viên, các cấp hội đã tích cực vận động mạnh thường quân, nhà hảo tâm ủng hộ kinh phí tặng quà, sửa chữa nhà cửa cho hội viên nghèo, khó khăn về nhà ở. Chỉ trong dịp Tết Nguyên đán năm 2018, các cấp hội đã vận động được gần 50 triệu đồng để chăm lo đời sống cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Nhằm giúp các hội viên có cơ hội tiếp cận gần hơn với tri thức, thông qua Thư viện sách nói dành cho người mù thuộc Hội Phụ nữ từ thiện TP. Hồ Chí Minh, Huyện hội đã vận động tài trợ được 1.100 cuốn băng dùng cho tủ sách thư viện tại đơn vị.

Sự khó khăn về cơ sở vật chất khiến những lớp học chữ nổi ở huyện Krông Búk còn hạn chế và chưa thể triển khai được nhiều. Nhưng với nhận thức “ánh sáng” của người khiếm thị chính là con chữ và nỗ lực của Hội Người mù huyện Krông Búk, hy vọng trong thời gian tới sẽ có nhiều lớp học chữ nổi và nhiều hoạt động thiết thực hơn nữa dành cho người khiếm thị.

Băng Châu


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.